Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, để đáp ứng các kỳ vọng và mục tiêu đặt ra, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện quản lý theo quy hoạch, mà trọng tâm là các đồ án quy hoạch lớn như Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Điều chỉnh Tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Những đột phá trong công tác quy hoạch là tiền đề để Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là tiền đề để thành phố kiến tạo động lực phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, của vùng và của quốc gia.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên khoảng 334.470ha (tăng 3,63 lần), dân số tăng 1,87 lần, có 30 quận, huyện, thị xã.
Đến nay, áp lực về quy mô đất đai, dân số, lao động lên hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị, giao thông toàn thành phố là rất lớn. Tốc độ đầu tư hạ tầng còn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông, còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quy hoạch Hà Nội xác định không gian sông Hồng là trục cảnh quan, văn hóa, dịch vụ. (Ảnh: Hải Linh) |
Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch, đất đai vẫn diễn ra. Đầu tư cho hạ tầng đô thị chưa được triển khai đồng thời, đồng bộ, dẫn đến tình trạng úng ngập, ùn tắc giao thông, xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường.
Công tác nghiên cứu lập quy hoạch, xây dựng cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ gặp những khó khăn vướng mắc, cơ chế, chính sách còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Tiến độ di dời các cơ sở cơ quan bộ, ngành, cơ sở y tế, giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp để thực hiện theo quy hoạch còn chậm.
Tầm nhìn mới-tư duy mới phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó đã đề ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra đối với Thủ đô trong giai đoạn trước mắt và lâu dài; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị xác định tại các Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các đồ án đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới như: Xây dựng 5 trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô; xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi; xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía nam thành phố…
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Công tác quy hoạch - kiến trúc và phát triển đô thị của Hà Nội, Thủ đô một đất nước đang trên đà chuyển mình phát triển để đón nhận những thời cơ, vận hội mới, còn rất nhiều việc phải làm.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các hội, hiệp hội nghề nghiệp và các nhà trí thức, khoa học tiếp tục tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, ý tưởng, hỗ trợ cho thành phố Hà Nội, góp phần thúc đẩy, đóng góp vào tiến trình phát triển, vào sự ổn định, thịnh vượng chung của đất nước.