Theo đề xuất của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đề ra mục tiêu trở thành Thủ đô văn hóa, văn minh, hiện đại, kết nối toàn cầu, phát triển hài hòa, hòa bình, thịnh vượng. Những mục tiêu này sẽ dẫn dắt và xác định các trụ cột ưu tiên cho Hà Nội. Và những ý tưởng đột phá, xuyên suốt các trụ cột chiến lược sẽ giúp Hà Nội hiện thực hóa tham vọng.
Xác định động lực tăng trưởng mới
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho động lực tăng trưởng của Hà Nội trong thời gian tới, liệu bất động sản có tiếp tục là nguồn lực cho Hà Nội, lĩnh vực công nghiệp đang khá thuận lợi nhưng cũng tới hạn. Để thu hút đầu tư và việc làm chất lượng cao, đồ án quy hoạch chung xác định tạo lập khu vực riêng dành cho công nghệ xanh, thu hút các nhà lãnh đạo toàn cầu trong giới học thuật, công nghiệp và khu vực tư nhân đến ươm tạo các công nghệ. Định vị Hà Nội là điểm đến kinh doanh của Việt Nam bằng cách nắm bắt và tăng trưởng theo cấp số nhân thị phần toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Trong chuỗi giá trị, Hà Nội sẽ tham gia vào một số lĩnh vực, như sản xuất chip bán dẫn và chủ yếu ở công đoạn thiết kế.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, đại diện Liên danh tư vấn quy hoạch Thủ đô chỉ ra những vấn đề Hà Nội cần khắc phục để đạt được những mục tiêu đề ra. Hiện tại thành phố chưa đáp ứng yêu cầu tiên phong, đi đầu trong đổi mới kinh tế. Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Việc khai thác các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ và các tập đoàn kinh tế lớn chưa hiệu quả. Trên địa bàn chưa có nhiều các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học-kỹ thuật và công nghệ cao.
Nhìn nhận những hạn chế để khắc phục, tại đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được triển khai cùng đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, định hướng không gian công nghiệp chỉ rõ: Khu vực phía tây thành phố ưu tiên đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo... Khu vực phía bắc cũng có quỹ đất cho phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, cơ khí chế tạo.
Khuyến nghị về cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch, đồ án quy hoạch chỉ ra rằng, thành phố nên có chính sách đặc thù về thuế, phí, tiền thuê đất và hạ tầng đối với hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và trao đổi khoa học-công nghệ. Khuyến khích nghiên cứu gắn với các mô hình sản xuất khoa học-công nghệ cao và các cơ sở nghiên cứu chuyên sâu bằng chính sách đầu tư theo hình thức đầu tư mạo hiểm.
Cần chính sách đột phá cho nhân lực
So với các địa phương trên cả nước thì Hà Nội có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm đột phá để Hà Nội khẳng định vị thế đó là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hà Nội có tài nguyên con người rất lớn khi trên địa bàn có tới 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước; 82% số phòng thí nghiệm quốc gia; 65% tổng số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; là nơi quy tụ của đội ngũ nhân lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).
Về nhân lực để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất chip, không chỉ riêng với Hà Nội, cải thiện hệ thống giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực để nắm bắt công nghệ và vươn lên trong chuỗi cung ứng là vấn đề lớn của quốc gia. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ tham gia ở mảng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. So với mảng thiết kế và sản xuất chip, đây là những mảng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất.
Để vươn tới những mục tiêu đầy tham vọng, định hướng phát triển trọng tâm của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã xác định phát triển hạ tầng kinh tế số, xã hội số là một trong những điều kiện để hỗ trợ triển khai thành công các ý tưởng đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố xác định xây dựng chính quyền số làm cơ sở để huy động nguồn lực nhân tài cho Hà Nội. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực số của các doanh nghiệp trong nước và khuyến khích ứng dụng công nghệ số.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất chip có rất nhiều thách thức. Về nhân lực, nhu cầu cần 50.000 kỹ sư nhưng hiện tại thành phố chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư, mỗi năm đào tạo thêm được khoảng 500 kỹ sư. Về chất lượng, chỉ có một số trường đại học hàng đầu đáp ứng được về chương trình đào tạo, có khả năng tiếp cận tốt. Về chính sách đầu tư, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức cho rằng, ngay chính sách đầu tư cho đào tạo nhân lực, nghiên cứu cũng phải thay đổi. Cần phải có chính sách đặc thù, bởi nếu tiếp tục thực hiện phân bổ ngân sách như bình thường thì không thể đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Đây là những vấn đề đặt ra và cũng là gợi ý cho Hà Nội trong việc quy hoạch, xác định nguồn lực, xây dựng chính sách thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng mới ■