Ông Đặng Kim Cương cho biết, địa phương đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy định và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, tập trung vào một số biện pháp trọng tâm, đó là tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ninh Thuận đã thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, cùng với đó là thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp (xã Mỹ Sơn tiếp giáp với xã Nhơn Sơn) và vùng đệm (xã Quảng Sơn, xã Hòa Sơn tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp là xã Mỹ Sơn) ra bên ngoài; đồng thời, thông báo cho người dân tuân thủ các quy định như: Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ nhưng phải tuân thủ theo sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận phối hợp xã Nhơn Sơn kiểm tra các chuồng nuôi lợn của người dân và hướng dẫn thực hiện các biện pháp dập dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan thú y.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Sơn Kiều Tấn Thịnh cho biết đã chỉ đạo xã Nhơn Sơn thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày (trong 1 tuần đầu tiên) và 3 lần/tuần (trong 2-3 tuần tiếp theo).
Đối với các xã vùng uy hiếp, vùng đệm thì tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần (liên tục trong vòng 1 tháng).
Cán bộ thú y xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc 1 lần/ngày trong tuần lễ đầu tiên kể từ khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Đối với trang trại chăn nuôi số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ, nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh động vật và chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao ý thức của người dân hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn.
Theo đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa có dịch tả lợn châu Phi tổ chức rà soát, thống kê số lượng từng loại lợn đang nuôi tại từng hộ, trại chăn nuôi, đồng thời tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các hộ đang nuôi có lợn bị bệnh để cách ly theo dõi và phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để lấy mẫu xét nghiệm khi nghi lợn đang nuôi trong chuồng trại của người dân có dấu hiệu bị dịch.
Ông Kiều Tấn Thịnh, nói: “Trước mắt, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ động bố trí kinh phí mua vôi bột, vật tư chống dịch, chi phí công phun xịt tiêu độc khử trùng, tiêu hủy động vật… để tập trung phục vụ cho công tác chống dịch”.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) tập trung nguồn lực phục vụ công tác chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết: Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các phòng, trạm trực thuộc phối hợp tăng cường theo dõi việc xuất, nhập lợn vào địa bàn tỉnh để chăn nuôi, giết mổ; bố trí cán bộ thú y giám sát việc xuất, nhập và kiểm dịch vận chuyển tại các kho trung chuyển của công ty chăn nuôi lợn đóng trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp các huyện, thành phố triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định hướng dẫn, đồng thời tổ chức thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường đợt 2/2024; tăng cường phòng, chống bệnh và tiêm phòng vắcxin cho đàn vật nuôi.