Chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm ở Ninh Thuận

Sau bốn năm thực hiện Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về kế hoạch nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, đến nay kết quả chưa đạt như mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch lúa.
Nông dân tỉnh Ninh Thuận thu hoạch lúa.

Trong tháng 8/2024, tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị chuyên đề triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá cụ thể hiệu quả của việc chuyển đổi cũng như thấy được những khó khăn, bất cập trong triển khai nhằm đưa ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương, năm 2020, toàn tỉnh chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ/năm xuống 2 vụ/năm là 2.980/1.002 ha, đạt hơn 297% kế hoạch. Tuy nhiên, sang năm 2021, chỉ thực hiện được 3.420/3.618 ha, đến năm 2022, thực hiện 3.246/3.546 ha và đến cuối năm 2023, diện tích chuyển đổi từ 3 vụ/năm xuống 2 vụ/năm là 2.700/3.300 ha, chỉ đạt hơn 69% so với kế hoạch.

Việc thí điểm mô hình sản xuất 2 vụ lúa cộng 1 vụ màu (vụ màu triển khai vào thời điểm vụ mùa hằng năm) không thể triển khai kịp thời vụ, bởi vụ mùa là vụ giữa trong năm, cho nên khi thu hoạch lúa hè thu xong và chuyển sang trồng màu vào vụ mùa, thì không thể thu hoạch cây màu kịp trong vụ mùa để có đủ thời gian gieo cấy vụ đông xuân tiếp theo.

Không chỉ vậy, vụ mùa thường hay trùng với thời điểm xảy ra mưa bão, ngập lụt hằng năm, cho nên tại các vùng trồng lúa cuối nguồn, vùng trũng không thể sản xuất được. Hơn nữa, nông dân quen với tập quán sản xuất 3 vụ lúa/năm, cho nên việc tuyên truyền, vận động bà con thông suốt tư tưởng để thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa/năm giảm xuống còn 2 vụ/năm rất khó khăn.

Ông Quảng Đại Luyến, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Như Bình (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước) chia sẻ: “Cách đây khoảng 4 năm, giá lúa thấp cho nên nông dân không mấy mặn mà với sản xuất lúa, thậm chí bỏ vụ gieo cấy vì thiếu nước tưới, vì vậy việc chuyển đổi từ 3 vụ còn 2 vụ đạt hơn 297% kế hoạch như năm 2020 là đúng. Nhưng gần đây, lượng nước chứa tại các hồ chứa cơ bản đáp ứng được việc tưới cho sản xuất, đồng thời, thị trường tiêu thụ lúa gạo mở rộng, giá thu mua lúa cao, cho nên nông dân quay lại sản xuất 3 vụ/năm là tất nhiên”.

Ông Mai Phong Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quý (huyện Ninh Phước) cũng cho hay, việc sản xuất 3 vụ/năm hay 2 vụ/năm là không nhất thiết. Bởi, muốn chuyển đổi phải căn cứ rõ từng vùng có phù hợp với mỗi vụ sản xuất, có hiệu quả hay không. Đối với vụ mùa, nếu cho sản xuất thì sản xuất hết, còn dừng sản xuất thì dừng hết, không thể cho vùng này gieo, vùng khác không gieo, không theo kế hoạch… sẽ dẫn đến hệ lụy rất khó lường và nguy cơ dẫn đến thiệt hại cho sản xuất là khó tránh khỏi, bởi, dịch bệnh dễ phát sinh, lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Nông dân Lưu Văn Hiệp ở thôn Hoài Trung, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất 4,8 ha lúa. Trước đó, làm 2 vụ/năm nhưng sản lượng thu hoạch không cao, còn làm 3 vụ thì đạt sản lượng cao cùng với thực tế giá bán liên tục tăng, cho nên có lãi nhiều. Hoài Trung là vùng đầu nguồn nhưng nếu làm 2 vụ lúa/năm thì quá lãng phí nguồn nước. Do vậy, cần rà soát từng vùng để cho sản xuất, không nhất thiết phải áp đặt từ 3 vụ/năm xuống 2 vụ/năm trên tất cả các vùng, khu vực. Nếu được, cho 2 năm sản xuất 5 vụ, nghỉ 1 vụ để phơi đất, nhưng cũng tùy tình hình thời tiết để cân đối cho sản xuất phù hợp”.

Còn đại diện lãnh đạo Công ty Giống cây trồng Đông Nam cho rằng, nếu chuyển từ sản xuất 3 vụ còn 2 vụ/năm thì công ty cũng gặp khó khăn trong vấn đề cung cấp giống cho người dân sản xuất, công ty cũng không có lợi nhuận. Các công ty thu mua cũng gặp khó khăn do không bảo đảm sản lượng để chế biến.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, việc chuyển từ sản xuất lúa 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm đối với vùng bơm nước tưới là tránh tốn kém kinh phí bơm nước tưới. Đối với vùng chủ động nước từ kênh Bắc, kênh Nam có thể sản xuất 3 vụ/năm. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương; tăng cường tuyên truyền để người dân thấy và thông suốt cùng chuyển đổi từ 3 vụ/năm xuống 2 vụ/năm đối với vùng khó khăn nước tưới, giám sát không cho gieo ngoài kế hoạch, gieo trễ lịch thời vụ… dẫn đến thiệt hại cho sản xuất.

Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát ở vùng chuyển đổi để có giải pháp hỗ trợ, cấp giống cây trồng thay thế phù hợp, tập trung chuyển đổi hiệu quả bằng các giống cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao để thu hút người dân thực hiện.