Hải Dương khắc phục thiên tai để ổn định sản xuất.

NDO - Tại Hải Dương bão số 3 đã làm 600ha cây ăn quả, hàng chục nghìn cây xanh gãy đổ; làm ngập úng 10 nghìn ha lúa, dập nát hàng trăm ha rau màu; gây tốc mái, sập đổ hàng trăm chuồng trại nuôi  gia súc, gia cầm. Các cấp chính quyền và bà con đang khẩn trương khắc phục thiệt hại sau mưa bão để sớm ổn định sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân huyện Kim Thành bơm nước tiêu úng cho ruộng cây giống.
Nông dân huyện Kim Thành bơm nước tiêu úng cho ruộng cây giống.

Theo thống kê, tỉnh Hải Dương có hàng trăm nghìn m2 nhà màng nhà lưới tại các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão. Trong đó huyện Gia Lộc có hơn 350 nghìn m2, huyện Bình Giang có hơn 26 nghìn m2 nhà màng nhà lưới bị sập và bị tốc mái.

 Hải Dương khắc phục thiên tai để ổn định sản xuất. ảnh 1

Nước sông Thái Bình đạt mức báo động 3 ngày 11/9 khiến hầu hết diện tích rau màu ở bãi sông cơ bản bị ngập úng.

Ông Hoàng Văn Độ ở xã Phạm Trấn huyện Gia lộc đầu tư sản xuất hàng nghìn m2 nhà màng, nhà lưới, trị giá khoảng 3 tỷ đồng đồng. Bão số 3 ập đến đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Anh Độ cho biết, thiệt hại do bão rất lớn, nhưng sợ nhất là không thể nào khắc phục hậu quả một sớm, một chiều để sớm đi vào sản xuất do không có nhân công và rất khó khăn về tài chính.

 Hải Dương khắc phục thiên tai để ổn định sản xuất. ảnh 2

Nông dân huyện Thanh Miện khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 3 ở cánh đồng xã Phạm Kha.

 Hải Dương khắc phục thiên tai để ổn định sản xuất. ảnh 3

Tiêu độc khử trùng cho chuồng trại chăn nuôi ở huyện Kim Thành.

Ông Hoàng Anh Thư, Phó giám đốc hợp tác xã Tân Minh Đức (huyện Gia Lộc): Hợp tác xã hiện có 450 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới của 95 hộ thành viên. Khi bão số 3 tràn vào, thì có tới 60% diện tích nhà màng, nhà lưới bị sập đổ hoàn toàn với tổng thiệt hại ước 180 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông sản ước khoảng 35 tỷ đồng còn lại là thiệt hại về cơ sở vật chất.

Ông Thư cho rằng khó khăn đầu tiên hiện nay để khôi phục sản xuất là vấn đề nhân lực. Vì gia đình nào cũng bị thiệt hại nặng nề do bão nên không lấy nhân lực đâu mà dọn dẹp và không có thợ để dựng lại các nhà màng, nhà lưới cũng không có tiền để mua vật tư, con giống phục vụ sản xuất.

Đặc biệt khó khăn là đa số các hộ mới làm nhà lưới được 1-2 năm, chưa hoàn vốn vay nên trước mắt hằng tháng không thể trang trải trả vốn vay ngân hàng. Hiện tại, các hộ cũng không còn tiền để phục dựng lại hệ thống nhà màng nhà lưới… nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các ngân hàng.

 Hải Dương khắc phục thiên tai để ổn định sản xuất. ảnh 4

Các hộ nuôi gia cầm tại Hải Dương chú trọng chăm sóc đàn gia cầm sau bão số 3.

Theo ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương, Tỉnh có 4 địa phương gồm thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành và huyện Nam Sách có số lượng gia cầm chết do bão nhiều nhất. Riêng trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Thoi ở xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành nuôi hơn 10 nghìn con gà, khi bão đổ bộ vào làm tốc mái, sập tường 3 dãy chuồng trại khiến khoảng 8 nghìn con gà bị chết.

Ngay sau bão gia đình bà Thoi đã huy động bà con làng xóm và thuê nhân công khẩn trương sửa chuồng trại, tổ chức tiêu độc khử trùng, bảo vệ số gà còn lại và tính hướng khôi phục lại đàn gia cầm.

Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân các trang trại bị thiệt hại do bão số 3 di chuyển đàn vật nuôi sang khu chuồng cao ráo hơn. Tiến hành tổng vệ sinh môi trường, thu gom xác động vật chết, phân loại để xử lý; tiêu độc khử trùng vùng chăn nuôi bị thiệt hại để tiêu diệt mầm bệnh. Các trang trại cần sửa chữa lại chuồng trại, khai thông hệ thống cống rãnh, tuyệt đối không để nước chảy ngược vào chuồng trại. Chủ động tiêm phòng vaccine đối với các bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm.

Sau khi bão tan, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Chí Linh yêu cầu các địa phương có diện tích canh tác ngoài đê khẩn trương thu hoạch rau màu, chằng chống bảo đảm an toàn các lồng cá trên sông.

Tại xã Nhân Huệ (Chí Linh) có 30ha trồng dưa hấu sắp đến kỳ thu hoạch và 320 lồng cá trên sông Thái Bình. Đây là địa phương có diện tích trồng rau màu ngoài đê lớn nhất Chí Linh. Để bảo đảm an toàn, các lực lượng công an, quân sự thành phố đã giúp người dân thu hoạch cơ bản toàn bộ diện tích dưa hấu; chằng chống bảo đảm an toàn cho 320 lồng cá trên sông.

Đồng chí Hoàng Quốc Thưởng, Bí thư Thành ủy Chí Linh, chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân; sẵn sàng di dời nhân dân ra vị trí an toàn khi nước lũ dâng cao. Tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch nhanh chóng hết toàn bộ diện tích cây rau màu ngoài đê; chằng chống, gia cố các lồng cá trên sông để bảo đảm an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Huyện Ninh Giang có lượng mưa lớn nhất trong tỉnh, đến 14 giờ ngày 8/3 đạt 300mm, làm 150ha rau màu bị dập nát, hơn 2.000ha lúa bị đổ, 900ha lúa bị ngập úng, tập trung ở các xã Tân Phong, Hưng Long, Ứng Hòe, Đông Xuyên. Chính quyền và nhân dân huyện Ninh Giang đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 3 để khôi phục sản xuất.

Để bảo đảm an toàn cho các lồng nuôi cá trên sông, khi lũ trên các sông dâng cao, các hộ nuôi cá lồng ở các tuyến sông Kinh Thầy, sông Thái Bình thuộc các xã, phường: Nam Đồng, Tiền Tiến (thành phố Hải Dương), Nam Tân, Cộng Hòa (Nam Sách)... đã khẩn trương kiểm tra, gia cố dây neo, mối hàn để tránh tình trạng lồng bè bị trôi theo nước lũ; che chắn mặt lồng bằng lưới để tránh cá bị thất thoát ra ngoài. Toàn bộ thiết bị, vật tư, máy móc được chủ các lồng bè di chuyển vào nơi an toàn.