Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì hội nghị cùng khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương; các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic… tham dự hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam.
Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung bàn thảo các nhóm vấn đề quan trọng về phương hướng đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong nông nghiệp, công nghiệp; xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng; phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua, phân phối, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.
Bên lề Hội nghị còn có không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại hội nghị. |
Theo Bộ Công thương, thời gian qua, có rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm..., phần lớn đều đến từ đồng bằng sông Cửu Long; riêng mặt hàng gạo năm nay ước tính tổng lượng xuất khẩu cả nước vẫn duy trì ở mức hơn 8 triệu tấn, trong đó tính riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,6 triệu tấn.
Tính đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa; 95% lượng gạo xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác; 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại....
Mặc dù có nhiều thế mạnh, nhưng kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng do có những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn và một số nguyên nhân khác đã được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Hội nghị này cũng là kênh chia sẻ, trao đổi thông tin giá trị, cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy vùng phát triển theo định hướng được nêu tại Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.