Từ đó, nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, để đi đến thành công, các start-up vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó rất cần sự hỗ trợ từ các ban, ngành, địa phương, chuyên gia.
Nông nghiệp được xem là lợi thế đặc biệt của Đồng bằng sông Cửu Long. Thành công bước đầu của những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định chủ trương khuyến khích, tạo dựng tinh thần khởi nghiệp là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để xây dựng những mô hình thành công, góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp trong vùng chuyển mình theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, vẫn cần thêm nhiều thời gian.
Thành công bước đầu
Mấy năm trước, chị Trần Thị Liễu ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nhận thấy cây lúa không thể cho thu nhập cao trên một vụ trồng, vì thế chị nghiên cứu trồng một loại cây khác trên đất lúa. Tìm hiểu thị trường, chị cùng chồng quyết định vay mượn, đầu tư thực hiện ý tưởng khởi nghiệp “trồng dưa Kim Hồng Ngọc trên đất lúa”.
So với các loại dưa khác thì dưa Kim Hồng Ngọc mang lại lợi nhuận cao và đầu ra ổn định hơn. Việc sản xuất cũng tận dụng được lao động nhàn rỗi ở địa phương. Quá trình sản xuất, chị Liễu chịu khó học hỏi, tìm hiểu để sử dụng các kỹ thuật trồng dưa, hạn chế sử dụng thuốc hóa học gây hại cho môi trường. Chị liên kết với doanh nghiệp để được cung ứng hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra.
Từ một nông dân mạnh dạn khởi nghiệp, ngay từ mùa thu hoạch đầu tiên, gia đình chị Liễu đã gặt hái được “quả ngọt”. Vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, bảy ha dưa Kim Hồng Ngọc mang về cho gia đình chị Liễu khoản lợi nhuận 380 triệu đồng. Sắp tới, chị Liễu mong muốn mở rộng quy mô trồng dưa cũng như truyền kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ dân khác trong vùng để tận dụng hiệu quả diện tích đất, phát triển kinh tế địa phương…
Trước đây, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong các công ty, tập đoàn dược lớn. Đến năm 2019, chị Thắm trở về thành phố Cần Thơ để khởi nghiệp với dự án sản xuất dược trà bằng việc tận dụng những loại thảo dược thiên nhiên như tía tô, diếp cá… Với mong muốn xây dựng giá trị mới bền vững hơn cho nông sản địa phương, thay đổi mô hình trồng trọt từ “bán chợ” sang “làm thuốc”, thương hiệu Hygie & Panancee (H&P) của chị Thắm ra đời. Các loại rau, thảo dược được ứng dụng công nghệ chiết xuất của ngành dược, loại tạp, bỏ bã, rồi pha chế thành dạng bột hòa tan trong nước, có thể uống liền.
Hiện, công ty của chị Thắm có 12 loại trà dược liệu hòa tan đang được bán ra thị trường, trong đó có năm sản phẩm chứng nhận OCOP bốn sao của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. Dự án của chị Thắm đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi như: Giải nhì Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2021; Giải nhì Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp-đổi mới sáng tạo năm 2022 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức…
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển và có nhiều điểm sáng. Tại các hội chợ, triển lãm tại khu vực và trên khắp cả nước, nhiều sản phẩm mới, lạ, độc đáo như cà-phê đông trùng hạ thảo, lê-ki-ma sấy, thịt thực vật từ mít… được nhiều khách hàng ưa thích. Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 nhận được 1.511 hồ sơ của hơn 4.000 thí sinh. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp có số hồ sơ dự thi cao nhất với 478 hồ sơ (chiếm 31,6%); nhiều dự án nông nghiệp đoạt giải cao.
Ông Lê Hòa Nhã, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO cho biết, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Các quỹ đầu tư ngày càng quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp nguồn vốn và hỗ trợ tư vấn cho các start-up. Chương trình OCOP cũng đóng góp không nhỏ vào việc thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, giúp các địa phương phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng.
Theo bà Hòa An, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thanh niên đô thị (thành phố Cần Thơ), nhiều sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp khu vực Tây Nam Bộ đã bắt đầu chú trọng đến đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, chế biến. Vấn đề về mẫu mã, truyền thông, giới thiệu sản phẩm bắt đầu được các start-up quan tâm. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong nông nghiệp của các trung tâm, địa phương cũng phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều kiến thức về kinh tế, thị trường…
Cần thêm nhiều sự hỗ trợ
Theo nhiều chuyên gia, khởi nghiệp nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Nhiều start-up nông nghiệp chưa biết cách xây dựng chi tiết hoạch định về mặt tài chính; chưa xác định được nguồn vốn cần sử dụng. Không ít người loay hoay với các bài toán về phân bổ, bố trí, chi phí cho nhân sự. Chưa kể, việc lập kế hoạch cho việc hoàn vốn và marketing sản phẩm chưa được chú trọng. Nhiều dự án khởi nghiệp thiếu người có chuyên môn như chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp đồng hành.
Chị Trần Thị Liễu cho biết, hiện nay, mặc dù mô hình khởi nghiệp có thành công bước đầu nhưng chị vẫn “đau đầu” với câu hỏi: Sắp tới, nếu các hộ trồng dưa Kim Hồng Ngọc tràn lan, thì sẽ đối mặt thế nào với điệp khúc “được mùa mất giá”.
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm thì lại gặp vấn đề về vốn: “Mặc dù được hỗ trợ nhiều về chuyên môn, nhưng chúng tôi vẫn gặp khó khăn về việc kêu gọi nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Với những sản phẩm mới, rất cần thời gian để thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm, cho nên nếu không đủ vốn, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều gian nan”.
Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố Cần Thơ Đặng Xuân Yến cho biết, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm lực nông nghiệp dồi dào, nhưng trên thực tế, việc phát triển các mô hình start-up nông nghiệp chưa tương xứng. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với kinh doanh vừa và nhỏ, cứ nghĩ mở cửa hàng kinh doanh là khởi nghiệp. Nhiều start-up nông nghiệp ở đây chưa thật sự đổi mới sáng tạo, biết áp dụng khoa học-công nghệ cũng như tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại (công nghệ AI, công nghệ IoT…). Không ít start-up khi gọi vốn chưa đánh giá được các vấn đề của thị trường cũng như lợi thế cạnh tranh của sản phẩm cho nên không thu hút được nhà đầu tư.
“Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức không ít các hội chợ, cuộc thi… để hỗ trợ các start-up nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chương trình vẫn mang tính phong trào, chưa hỗ trợ một cách thiết thực cho những doanh nghiệp khởi nghiệp. Chưa có một cá nhân, đơn vị nào có thể quy tụ các start-up để dẫn dắt, phát triển.
Bên cạnh đó, việc chưa xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển, cũng như mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân vẫn đang là hạn chế đối với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp tại Tây Nam Bộ”, ông Đặng Xuân Yến chia sẻ.
Theo ông Lê Hòa Nhã, lĩnh vực nông nghiệp còn đối mặt nhiều thách thức khác, như: Thiếu hụt lao động trẻ do giới trẻ có xu hướng di cư ra thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn; năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao; liên kết thị trường yếu, nông dân gặp khó khăn trong việc kết nối với thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng giá cả bấp bênh, lợi nhuận thấp.
Để phát triển bền vững mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, cần đào tạo cho start-up kiến thức và kỹ năng về khoa học-kỹ thuật, quản lý kinh doanh, khởi nghiệp; tăng cường các chương trình hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ các start-up kết nối với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến khích ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các start-up…