Hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua, bán người

Theo ước tính của tổ chức ILO Global Estimates, hằng năm, trên thế giới có 25 triệu nạn nhân bị mua bán, mang lại nguồn lợi phi pháp từ tội phạm này khoảng 150 tỷ đô-la Mỹ. Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao nhận thức và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người, nhất là hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua bán người.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội biên phòng tổ chức truyền thông về mua bán người cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, hải đảo. Ảnh: Biên Cương.
Bộ đội biên phòng tổ chức truyền thông về mua bán người cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, hải đảo. Ảnh: Biên Cương.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp. Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh thủ đoạn truyền thống, tội phạm mua bán người đã thay đổi phương thức, lợi dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat...) để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.

Hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua, bán người ảnh 1

Truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7".

Bên cạnh đó, các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân.

Những khoảng trống...

6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân. Các cơ quan chức năng tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân

6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân.

Nạn nhân khi được giải cứu hoặc tự trốn thoát trở về hầu hết đều gặp phải những vấn đề về tâm lý và nhiều vấn đề khác.

Do vậy, việc tái hòa nhập cộng đồng thường gặp rất nhiều cản trở, khó khăn nếu không có sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ phía gia đình, địa phương, các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị, xã hội.

Thực tiễn cũng chỉ ra vẫn còn nhiều khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua, bán người ảnh 2

Bộ đội biên phòng tiếp nhận nạn nhân mua bán người.

Các dịch vụ hỗ trợ hiện nay mới chỉ chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là nữ, những nhóm nguy cơ khác như nam công nhân, thanh thiếu niên, cũng như 1 số đối tượng đặc thù thường ít có hỗ trợ chuyên biệt.

Từ đó, nhu cầu, quyền lợi chính đáng của các đối tượng trên dường như đang bỏ ngỏ, trong khi đó, xu hướng nam giới là nạn nhân của tội phạm mua bán người ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ nạn nhân trên thực tế còn nhiều hạn chế nguồn lực về cả vật chất lẫn nhân lực, vật lực tại các cơ sở vận hành; trình tự thủ tục để hỗ trợ nạn nhân còn phức tạp, chưa khả thi; lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn do trong quy định do thiếu tiêu chí xác định nạn nhân mua bán người…

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, việc thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh ( Đoàn Bạc Liêu) cho rằng vấn nạn mua bán người không chỉ xảy ra ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, mà diễn biến rất phức tạp và trên phạm vi cả nước.

Do vậy, Chính phủ cần quy định thêm ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, nhằm tạo động lực và điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống mua bán người.

Có thể thấy, sự tham gia của các cơ sở cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội còn hạn chế. Việc huy động nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ sở đáp ứng cơ sở vật chất và chăm sóc đối tượng, đào tạo nhân viên, kinh phí xã hội hóa đầu tư cho công tác trợ giúp xã hội, cho hỗ trợ nạn nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu.

Do vậy, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực đầu tư xã hội trong việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Đây là chính sách phù hợp với việc đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Dang rộng vòng tay

Với chức năng đại diện và bảo vệ cho quyền của phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thời gian qua đã thực hiện rất nhiều các hoạt động cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân mua bán người thông qua các mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, mô hình Trung tâm một điểm đến hỗ trợ người di cư (OSSO).

Hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua, bán người ảnh 3

Nạn nhân mua bán người trở về trong vòng tay gia đình.

Đặc biệt, Hội Phụ nữ Việt Nam đã tiên phong thực hiện thí điểm mô hình nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà bình yên, cung cấp dịch vụ toàn diện, miễn phí và đồng bộ cho đối tượng bị mua bán trở về từ năm 2007.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2020 số nạn nhân mua bán người là phụ nữ, trẻ em chiếm khoảng 73%. Từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023, con số này là khoảng 60%.

Đồng thời tiếp nhận chuyển tuyến các ca bị mua bán trở về từ Công an, Bộ đội Biên phòng, Cục Xuất nhập cảnh, Trung tâm cứu trợ xã hội và Hội phụ nữ các tỉnh, thành phố...

Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà bình yên Dương Thị Ngọc Linh cho biết: 100% nạn nhân tạm lánh tại đây được hỗ trợ thăm khám, điều trị các hậu quả để lại trong quá trình bị mua bán; cũng như được hỗ trợ pháp lý, làm lại các giấy tờ pháp lý; trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án mua bán người.

Đến nay, Ngôi nhà bình yên có 3 cơ sở (2 cơ sở tại Hà Nội, 1 cơ sở tại Cần Thơ). Dự kiến, sẽ mở thêm 1 cơ sở tại Quảng Bình; đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.704 phụ nữ và trẻ em đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua, bán người ảnh 4

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh thăm, động viên và trao gói hỗ trợ nạn nhân nạn buôn bán người trú ở xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên). Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon) được hình thành từ năm 2004 với sứ mệnh chấm dứt nạn mua bán người ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này, Blue Dragon hợp tác với các cơ quan, tổ chức trên khắp Việt Nam để triển khai một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết tội phạm này trên mọi mặt trận.

Trưởng nhóm Quan hệ báo chí của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh Carlota Torres Lliro chia sẻ: Ngoài giải cứu, tiếp nhận, cung cấp cho các nạn nhân mua bán người những thứ cần thiết để chữa lành, phục hồi và phát triển, chúng tôi còn tập trung công tác phòng ngừa mua bán người, thông qua các sáng kiến có quy mô lớn, nâng cao đời sống của các cộng đồng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân mua bán người thoát khỏi nghèo đói. Đồng thời, cung cấp các công cụ, kiến thức và nguồn lực để họ tự bảo vệ mình.

Trong 20 năm qua, Blue Dragon đã hỗ trợ hơn 2.500 người là nạn nhân của mua bán người. Trong số đó, có 848 người là trẻ em tại thời điểm giải cứu, 2.039 phụ nữ và 498 nam giới.

Những năm qua, Blue Dragon phát triển quan hệ đối tác địa phương với Hội Phụ nữ Việt Nam cũng như hội phụ nữ các tỉnh, thành phố để tối đa hóa tác động, bảo đảm các biện pháp can thiệp nhằm thực hiện hiệu quả và bền vững trong thời gian dài.

Tại các vùng nông thôn, Blue Dragon hợp tác với Hội Phụ nữ và các cơ quan liên quan, các trưởng thôn, trưởng làng là những người có tiếng nói, có uy tín, thiết lập các sáng kiến phòng ngừa rộng rãi tại các cộng đồng có nguy cơ cao về mua bán người.

Hỗ trợ và bảo vệ quyền của nạn nhân mua, bán người ảnh 5

Hỗ trợ giống vật nuôi cho nạn nhân mua, bán người. (Ảnh: Tổ chức Blue Dragon)

Thông qua các hoạt động này, trong năm 2023, hơn 15 nghìn người dân tộc thiểu số tại nhiều bản làng đã nâng cao hiểu biết về nạn mua bán người, học cách tự bảo vệ mình cũng như báo cáo các trường hợp khả nghi. Theo đó, đã xác định được 10 người dân là nạn nhân của mua bán người. Tất cả các nạn nhân được giải cứu, được đưa trở về nhà an toàn.

Blue Dragon còn thường xuyên liên lạc với Bộ đội Biên phòng, phối hợp cung cấp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sau khi hồi hương. Qua công tác phối hợp, các bên đã xác định được 111 người có nguy cơ cao bị bóc lột, mua bán người tìm đến Blue Dragon cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam để nhận hỗ trợ cần thiết.

Đã có hơn 300 gia đình nhận được hỗ trợ con giống từ ngân hàng vật nuôi của tổ chức và Hội Phụ nữ phát triển kinh tế, nguồn thu nhập ổn định.

Thời gian tới, Blue Dragon sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện những sáng kiến vô cùng hiệu quả này với Hội Phụ nữ tại các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế, Trưởng nhóm Quan hệ báo chí của Tổ chức Trẻ em Rồng xanh cho biết.

Báo cáo năm 2024 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, nổi bật là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người 2011, tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.

Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc, góp phần ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.