Do vậy, việc quản lý “sức khỏe” đất đang là vấn đề cấp thiết để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.Tại Việt Nam, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp với 0,25 ha, trong khi thế giới là 0,52 ha và khu vực là 0,36 ha. Ngoài ra, 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc cho nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất nghèo mùn...
Hàng triệu héc-ta đất bị thoái hóa
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ở nước ta, hiện tượng suy thoái đất đang diễn ra trên tất cả các vùng, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp. Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại ba khu vực là: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Suy thoái đất dẫn đến hoang mạc hóa có thể ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nhất là môi trường và sinh kế của người dân. Hiện tượng này cũng là căn nguyên của sự biến mất các thảm thực vật dẫn đến ngập, lũ, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của sông, hồ. Ngoài ra, hoang mạc hóa khiến cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.
Theo thống kê, ở nước ta có 114.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa nặng, 1,655 triệu héc-ta thoái hóa trung bình và hơn 3,3 triệu héc-ta bị thoái hóa nhẹ. Đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nghiêm trọng là do tác động rất lớn do tập quán canh tác như: Trồng nhiều vụ trong năm, bón quá nhiều phân vô cơ, ít sử dụng phân hữu cơ khiến đất bị bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt nguyên tố trung, vi lượng, chất hữu cơ.
Việc lạm dụng các loại phân bón trong thời gian dài dẫn đến hiện tượng nhiều nơi đất bị phá vỡ cấu trúc, khiến đất bị trơ cứng không thuận lợi cho canh tác. Mặt khác, sử dụng phân bón hóa học không cân đối ở nhiều vùng, đặc biệt là thâm canh gây ô nhiễm đất và nước. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, hiện đại hóa, đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng dân số cao là những nguyên nhân gây ra thay đổi trong sử dụng đất có thể tác động trực tiếp đến các chức năng của đất và hệ sinh thái đất.
Bên cạnh đó, đất nông nghiệp chung quanh khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, làng nghề có dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng của chất thải. Hầu hết các điểm quan trắc cho thấy có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng với mức độ khác nhau giữa các khu vực. Không những vậy, các vùng đất chuyên canh nông nghiệp, hàm lượng hữu cơ trong đất cũng đang có dấu hiệu suy giảm.
Tại vùng trồng cam ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) qua phân tích hàm lượng đồng trong đất vượt ngưỡng giới hạn quy định từ 2,26 đến 2,77 lần. Cùng với đó, tình trạng suy giảm dinh dưỡng trong đất cũng đang là vấn đề quan tâm hiện nay. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ở nhiều nơi do độc canh cây lúa, cá biệt có những vùng sản xuất ba vụ trong năm đã lấy đi của đất lượng dinh dưỡng lớn. Trong khi đó, chế độ bón phân hiện đang được áp dụng chưa hợp lý (lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước) đã dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung vi lượng và chất hữu cơ.
Hơn nữa, việc luôn có nước trên mặt ruộng do canh tác lúa dẫn đến hiện tượng phân hủy rơm rạ trong điều kiện yếm khí, cây lúa bị ngộ độc hữu cơ trong giai đoạn đầu của sự sinh trưởng phát triển. Đối với đất vùng Tây Nguyên nơi trồng các loại cây công nghiệp như: Cà-phê và hồ tiêu chất lượng đất cũng đã có những thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Thống kê cho thấy, hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất trung bình từ 1,2 đến 2,5% thấp hơn nhiều so với đất rừng tự nhiên là 5,14%; pH đất trồng cà-phê và hồ tiêu dao động từ 3,14 đến 4,6 trong khi đó ở đất rừng tự nhiên là 5,6; hàm lượng lân và kali dễ tiêu trong đất tích lũy ở mức khá cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho rằng: “Trên địa bàn tỉnh có 104.500 ha đất nông nghiệp, trong đó có 58.000 ha đất lúa, 10.000 ha đất rau màu, 20.000 ha đất trồng cây ăn quả… Mặc dù, sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, nhưng đi cùng với đó là tình trạng thoái hóa đất nông nghiệp. Điển hình như cây ổi với diện tích gần 2.000 ha, nếu trước đây chu kỳ kinh doanh từ 5 đến 10 năm mới trồng lại, nhưng hiện nay chỉ còn 3 năm. Qua điều tra nguyên nhân không phải do sâu bệnh hay giống mà là đất bị chai, thiếu dinh dưỡng. Không những vậy, nhiều diện tích đất trồng rau màu chuyên canh trên địa bàn cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Kết quả đo pH đất nông nghiệp chỉ còn ở mức 3,5 đến 4,5, thậm chí có những nơi chỉ còn 2,5”.
Cải thiện “sức khỏe” cho đất
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hệ thống văn bản quản lý nhà nước về “sức khỏe” đất và dinh dưỡng cây trồng đã có nhưng còn thiếu nhiều chính sách, hướng dẫn cụ thể; cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý về “sức khỏe” đất trồng trọt ở địa phương chưa rõ ràng, chồng chéo trong phân giao nhiệm vụ giữa các cơ quan liên quan.
Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc quản lý và nâng cao “sức khỏe” đất; chưa có các chính sách để khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hữu cơ, vi sinh rất hạn chế và chưa được người dân quan tâm sử dụng rộng rãi để cải thiện dinh dưỡng đất trồng; hiện nay các chương trình nghiên cứu về quản lý dinh dưỡng cho các loại cây trồng ít được quan tâm, ngoại trừ một số đề tài hợp tác quốc tế; chưa có nghiên cứu bài bản, hệ thống về nâng cao “sức khỏe” đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả. Đặc biệt là các nghiên cứu về đặc tính sinh học của đất, hiệu quả sử dụng phân bón...
Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đất nông nghiệp ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng, đất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang bị thoái hóa nhanh, đất nghèo dinh dưỡng có xu hướng gia tăng, vì vậy Bộ đang cùng các địa phương tìm phương án để cải thiện.
Tuy nhiên, vấn đề trước mắt cần rà soát, đánh giá, thống kê phân loại đất thoái hóa, nghèo dinh dưỡng, ô nhiễm hay hoang hóa để có cơ sở dữ liệu khắc phục tình trạng này. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị và nông dân, doanh nghiệp về sự quan trọng của sức khỏe đất đối với an ninh lương thực và phát triển bền vững; xây dựng các quy trình sản xuất, canh tác phù hợp đối với từng loại đất, cây trồng; có biện pháp cải tạo độ phì, bổ sung dinh dưỡng cho đất để hướng tới sản xuất bền vững.
Trao đổi về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý “sức khỏe” đất; ban hành kế hoạch hoặc chiến lược quốc gia để quản lý “sức khỏe” đất; có cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí đủ lớn để hỗ trợ cho công tác quản lý và nâng cao “sức khỏe” đất như: Kinh phí phân tích, đánh giá hiện trạng chất lượng đất, hỗ trợ cho công tác cải thiện “sức khỏe” đất... Đồng thời, có giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành về “sức khỏe” đất; có chế tài xử lý đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm gây suy thoái chất lượng đất”.
Còn theo Cục Trồng trọt, thời gian tới cần rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm “sức khỏe” đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.
Cùng với đó, cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu có liên quan đến sức khỏe đất, bao gồm: Chất lượng đất, khí hậu thời tiết, nước tưới, tiêu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu sinh thái của các loại cây trồng... tạo cơ sở cho việc sử dụng hợp lý, cải tạo, bồi dưỡng chất lượng, nâng cao “sức khỏe” đất; cải thiện chất lượng đất trồng trọt theo hướng phục hồi đất thoái hóa, bảo vệ và phát triển sự đa dạng của hệ sinh vật có ích trong đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các mô hình sử dụng bón phân theo nguyên tắc “5 đúng” nhằm giảm dần sự lạm dụng phân hóa học; cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ giúp tối ưu năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao “sức khỏe” đất…