Nông nghiệp công nghệ cao cần lực đẩy

Nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Theo đó, ngành cần phải thay đổi tư duy trong phát triển, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Muốn làm được như vậy, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Phần lớn chủ thể sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp còn là kinh tế hộ nhỏ lẻ. Ảnh: NGUYỆT ANH
Phần lớn chủ thể sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp còn là kinh tế hộ nhỏ lẻ. Ảnh: NGUYỆT ANH

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm. Cùng với đó là mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, với mục tiêu tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm.

Thách thức trong yêu cầu tăng trưởng cao

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp (NN&PTNT), trong những năm qua, nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%, nhất là từ giai đoạn năm 2021 đến nay, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 - 3,8%. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đứng tốp 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà-phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ. Tuy vậy, yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà-phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước... “Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất là quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...”, ông Tuấn quan ngại.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3,38% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm. Tuy vậy, ông Phòng cho rằng, nông nghiệp trong nước sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Trong khi đó, ngành nông nghiệp có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp, dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.

Còn theo ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao. Trên thực tế, chỉ có khoảng 1 - 2 % số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trong số đó, chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp). “Đặc điểm phần lớn chủ thể sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp Việt Nam còn là kinh tế hộ nhỏ lẻ trong khi đối tượng có năng lực áp dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và lớn có số lượng rất hạn hẹp”, ông Sơn lý giải.

Cần áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt

Để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, ông Đặng Kim Sơn đề xuất Chính phủ cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Tại đây, Nhà nước và doanh nghiệp có cơ chế phối hợp để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ, từ đó hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường. Bên cạnh đó, cần áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công - tư”.

Về phía ngân hàng, ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cho rằng, với việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, trong chiến lược kinh doanh, ngân hàng luôn xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên và luôn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn qua việc đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để tạo nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ khách hàng. Ngay khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Agribank đã ngay lập tức triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ đồng và là ngân hàng có mức cam kết cho vay cao nhất trong tổng các ngân hàng thương mại đăng ký tham gia...

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế cũng cho biết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực… Cụ thể, chính sách đất đai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất như ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn; tăng thời gian thuê đất công từ 5 năm lên 10 năm… Chính sách tín dụng đã quy định rõ, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ hưởng lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với khoản vay thông thường; không có tài sản bảo đảm được vay 70% giá trị dự án… Với chính sách ưu đãi thuế, nhiều loại đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức 10% trong 15 năm, miễn thuế nhiều nhất không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư được xem xét áp dụng chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… “Thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan có liên quan sẽ tham mưu đổi mới chính sách có tính tới sự phối hợp bộ, ngành về chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng tạo sức bật trong tập trung ruộng đất, quỹ đất vừa đủ cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành phụ trợ… Về chính sách tín dụng, chính sách thuế sẽ minh bạch, rõ ràng cùng với chính sách nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực…”, ông Tuấn chia sẻ.