Hành trình “vá” rừng trên núi đá

NDO - Bình minh ở Hua Tạt những ngày đầu tháng 6 yên ả đến lạ. Tờ mờ sáng, mọi người trong đoàn vội tỉnh giấc, loay hoay chuẩn bị tư trang, háo hức bảo ban nhau: “Hôm nay, chúng ta sẽ trồng rừng từ sớm”. Và hành trình “vá” sắc xanh cho dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La của nhóm tình nguyện viên từ dự án Rừng xanh lên bắt đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Một tình nguyện viên nhỏ tuổi hăng hái trồng cây tại dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Một tình nguyện viên nhỏ tuổi hăng hái trồng cây tại dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Quyết tâm phục hồi rừng

Là một trong những thành viên xông xáo nhất đoàn tình nguyện viên do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tập hợp, Bùi Ngọc Huy Hoàng, sinh viên năm 3 Trường đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội không ngại vượt non cao, nắng cháy, vào bản Pa Cốp dựng nhà cho các loại động vật, thực vật quý hiếm.

“Tham gia với vai trò tình nguyện viên, em vô cùng háo hức khi được góp sức mình vào hoạt động trồng rừng. Chứng kiến từng hạt mầm được gieo vào đất, từng cây non được các anh, chị và người dân bản Pa Cốp vun trồng là trải nghiệm quý giá đối với em”, thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn thành việc dựng nhà cho các loại động vật, thực vật ở Vân Hồ (Sơn La), Huy Hoàng cho hay.

Không chỉ có Huy Hoàng, lần ra quân trồng rừng này còn có sự góp mặt của nhiều bạn trẻ. Thậm chí, có những bạn học sinh cấp 2, cấp 3 đi cùng gia đình vẫn hăng hái tham gia.

Bằng quyết tâm chung tay phục hồi rừng, phục hồi sinh thái, các em không ngần ngại leo lên con dốc dựng đứng của nóc nhà Vân Hồ để tìm những mảng đất trống, đồi trọc. Xuyên suốt chuyến đi, hễ gặp ban tổ chức của Rừng xanh lên, những bạn trẻ ấy lại lập tức cất tiếng: “Lần trồng rừng tiếp theo, mọi người cho em tham gia nữa nhé”.

Hành trình “vá” rừng trên núi đá ảnh 1

Các tình nguyện viên leo dốc trên nóc Vân Hồ để trồng cây.

Từ sáng sớm đến giữa trưa, các thành viên trong đoàn Rừng xanh lên chia thành từng nhóm, nối đuôi nhau di chuyển đến các khu vực được chỉ định. Huy động dụng cụ từ nhà dân trong bản, các tình nguyện viên người cầm cuốc, xẻng, người cầm xà beng, cào đất. Còn những mầm xanh được mọi người cho vào gùi hoặc túi và thay nhau mang, vác.

Đến nơi, dù đã thấm mệt, song tất cả đều nhanh chóng vào vị trí, thực hiện công việc đã được phân chia trước đó. Để giữ thăng bằng trên con đồi dốc, ai nấy đều phải nương mình vào thân cây già hoặc tảng đá lớn mới không ngã. Người đào đất, người đặt cây, rồi lại tỉ mỉ đắp đất, từng công đoạn được phối hợp nhịp nhàng.

Được biết, để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, đoàn tình nguyện viên tham gia chương trình Rừng xanh lên năm 2024 đã phải di chuyển đến xã Vân Hồ sớm một ngày, sẵn sàng ứng phó trước các tình huống phát sinh. Trước đó, đội ngũ nhân viên của Trung tâm Con người và thiên nhiên (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) dành không ít thời gian để đi khảo sát thực địa.

Vân Hồ là khu vực sinh thái trọng yếu, nằm ở phía đông nam tỉnh Sơn La, với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 98.288,9 ha. Bà con sống ở các bản, làng quanh đây đa phần là người H'Mông. Nhiều nét văn hóa độc đáo của họ gắn liền với núi rừng. Trải qua nhiều năm, áp lực từ các hoạt động kinh tế đã khiến không ít diện tích rừng tự nhiên bị tác động, phân mảnh và suy thoái.

Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Vân Hồ là 53,9%. Nơi đây sở hữu nhiều khu vực rừng già trên núi đá với hệ thống động, thực vật rất đa dạng, phong phú. Ước tính, có khoảng 30% diện tích rừng tại Vân Hồ cần được phục hồi để bảo đảm cảnh quan tự nhiên và duy trì sinh cảnh sống cho các loài động, thực vật tự nhiên.

Theo Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên, trồng rừng là hoạt động thường niên được PanNature thực hiện nhằm phục hồi hệ sinh thái. Những năm qua, tổ chức đã đồng hành cùng địa phương, huy động nguồn lực để bảo vệ hệ sinh thái rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp cùng du lịch sinh thái.

Trồng rừng để làm nhà cho loài vượn đen má trắng

Năm 2020, đoàn khảo sát của Trung tâm Con người và Thiên nhiên đến điều tra thực địa tại khu rừng Pa Cốp-Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Qua chuyến công tác này, đoàn đã phát hiện một quần thể 13 con vượn đen má trắng đang sinh sống tại đây. Loài động vật này thuộc diện cực kỳ nguy cấp trên phạm vi toàn cầu, hiện nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Vượn đen má trắng là loài linh trưởng đặc hữu, cực kỳ nguy cấp trên phạm vi toàn cầu. Dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt là nơi quần thể loài động vật này sinh sống. Tuy nhiên, khu vực này hiện bị suy thoái do hoạt động của người dân, đặc biệt trong vấn đề canh tác nương rẫy. Trước tình hình ấy, chúng ta cần phục hồi diện tích rừng ảnh hưởng.

Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên

Đầu tháng 4/2021, trong một khảo sát khác về động vật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện đàn vượn đang sinh sản thêm. Tuy nhiên, quá trình phát triển của chúng gặp trở ngại khi vùng hoạt động quá hẹp, diện tích 600 ha không đủ để cả đàn sống. Bởi loài vượn đen má trắng có tập tính kiếm ăn rất rộng.

Bên cạnh đó, việc diện tích rừng suy giảm, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, cùng ảnh hưởng của các hoạt động săn bắn từ con người là những nguyên nhân chính khiến loài động vật này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên Trịnh Lê Nguyên thông tin: "Vượn đen má trắng là loài linh trưởng đặc hữu, cực kỳ nguy cấp trên phạm vi toàn cầu. Dải rừng Pa Cốp-Hua Tạt là nơi quần thể loài động vật này sinh sống. Tuy nhiên, khu vực này hiện bị suy thoái do hoạt động của người dân, đặc biệt trong vấn đề canh tác nương rẫy. Trước tình hình đó, chúng ta cần phục hồi diện tích rừng ảnh hưởng”.

Vì thế, quá trình bảo tồn loài vượn quý hiếm này cần tạo ra môi trường rừng phù hợp để chúng có thể tiếp tục sinh sống. Và trồng rừng là giải pháp thiết thực, cấp bách để giúp quần thể vượn đen má trắng nguy cấp tại Vân Hồ sẽ thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng nói riêng, cũng như duy trì sinh cảnh sống cho các loài động vật, thực vật nói chung.

Hành trình “vá” rừng trên núi đá ảnh 2

Vượn bố và vượn mẹ ôm con mới sinh tại khu vực rừng tự nhiên bản Hua Tạt. (Ảnh: PanNature)

Trong số đội ngũ cán bộ dẫn đoàn lên Vân Hồ trồng rừng, có anh Nguyễn Hùng Chiến, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của huyện. Đặt cây non xuống đất, anh Chiến chia sẻ về những khó khăn trong công tác phục hồi rừng.

“Người dân ở Vân Hồ thường trồng cây ăn quả, rau hoa, cây lương thực có hạt. Vì những cây này thường mang tới hiệu quả kinh tế ngay. Trong khi trồng rừng phải trải qua mất đến từ 7-10 năm mới đem lại lợi ích nên việc vận động và thuyết phục người dân trồng rừng rất vất vả. Thế nhưng, kể từ khi có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, hoạt động này đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương”, anh Chiến cho biết.

Không chỉ có bản Pa Cốp, hoạt động trồng rừng còn được triển khai ở bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa. Đoàn góp sức người, còn bà con người Mông ở các bản góp dụng cụ trồng cây. Mỗi điểm trồng rừng, dù xa xôi đến mấy đều có bà con đồng hành, cổ vũ.

Theo PanNature, có đến 16 nghìn cây, chủ yếu là táo mèo, quế và lát hoa được trồng trong đợt này. Có được kết quả này là nhờ sự chung tay của chính quyền, bà con huyện Vân Hồ cùng các tình nguyện viên yêu môi trường do PanNature kêu gọi.

Về kế hoạch dài hạn, PanNature đặt ra kỳ vọng sẽ phục hồi 500ha rừng trên hành lang núi đá nối giữa huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Quá trình phục hồi này sẽ làm tăng độ che phủ của mặt đất cùng lượng lưu trữ nước trong đất và góp phần giảm sa mạc hóa, trung hòa carbon.

Trông ngóng đoàn trồng rừng, có cả cha mẹ em trong đó, trở về lúc mọi việc xong xuôi, Tràng A Xuy, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Pa Cốp mừng rỡ: “Em sinh ra từ rừng, lớn lên ở rừng nên với em, rừng rất quý giá. Có thêm nhiều cây, rừng sẽ càng xanh hơn, mọi người trong bản biết ơn đoàn mình vô cùng”.