Cảnh báo ngập lụt, sạt lở ở vùng hạ du do lũ trên các sông lên nhanh

NDO - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (3/8), mực nước hạ lưu sông Lô, sông Hồng đang lên nhanh. Cảnh báo, mực nước lũ hạ lưu sông Hồng-Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê ven sông.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự báo, trưa nay (3/8), mực nước hạ lưu sông Cầu đang biến đổi chậm theo xu thế xuống; lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà đã tăng nhanh lên mức 9.800m3/s, dưới báo động 2: 200m3/s (do thủy điện Sơn La vận hành 3 cửa xả đáy) và đang giảm.

Trong 24 giờ tới, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình trên sông Đà sẽ biến đổi chậm theo xu thế giảm, ở mức báo động 1. Diễn biến lưu lượng đến hồ Hòa Bình sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tiết của hồ Sơn La.

Trên sông Lô tại trạm Tuyên Quang sẽ lên mức 20,30m, dưới báo động 1:1,70m vào trưa nay (3/8) sau đó xuống và phụ thuộc vào vào quá trình điều tiết của hồ Tuyên Quang.

Trên sông Hồng tại trạm Hà Nội đạt mức 7,20m, dưới báo động 1: 2,30m vào sáng 4/8 sau đó giảm chậm và phụ thuộc quá trình điều tiết của hồ Hòa Bình và Tuyên Quang.

Trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ biến đổi chậm theo xu thế xuống, ở mức báo động 1 vào sáng mai (4/8).

Cảnh báo, lũ trên các sông, suối lên sẽ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, làm một phần bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, mực nước lũ các sông suối nhỏ hạ lưu sông Hồng-Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng-Thái Bình.

Để bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân vùng hạ du, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện yêu cầu chính quyền các địa phương thông báo đến các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy đang hoạt động trên sông, vùng hồ thủy điện và khu vực hạ du chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhanh chóng thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn công trình. Tăng cường công tác kiểm tra các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, đường tràn dễ bị ngập nước, kiểm soát người qua lại tại các khu vực cầu phao, cầu treo, các tràn ngầm, bến đò ngang có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện…

Trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra, sẵn sàng vật tư, phương tiện cần thiết, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi nước lũ dâng cao.