Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, công việc không ổn định, vốn liếng không có cho nên cái nghèo cứ đeo bám.
Bà Hoa chia sẻ: "Từ năm 2013, gia đình tôi được tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ thôn, được bình xét cho vay vốn chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sóc Sơn để chăn nuôi bò. Từ nguồn vốn vay này, gia đình tôi mua được hai con bò giống, lại được các cán bộ tư vấn, hướng dẫn cách chăn nuôi, chăm sóc; từ đó nhân giống, phát triển thành một đàn bò khỏe mạnh, tăng gia sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống và thoát nghèo. Đặc biệt, nhờ có nguồn vốn vay từ chương trình cho vay học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hai con của tôi đã được học hành đầy đủ, hiện đã có việc làm ổn định".
Tuy còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, nhưng huyện Chương Mỹ vẫn luôn ưu tiên bố trí một phần ngân sách hằng năm cho tín dụng chính sách xã hội. Đại diện Huyện ủy Chương Mỹ cho biết, 10 năm qua, huyện đã triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ, hiệu quả với sự tham gia của 451 tổ tiết kiệm và vay vốn, 32 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Qua đó, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi. Tổng dư nợ 10 chương trình đến hết tháng 6/2024 đạt 829 tỷ đồng với 16.222 hộ gia đình đang vay vốn. Chất lượng tín dụng trên địa bàn từng bước được củng cố, nâng cao. Cuối năm 2014, nợ quá hạn lên đến 820,5 triệu đồng, thì đến nay, huyện Chương Mỹ không còn nợ quá hạn.
Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã được lan tỏa, phủ rộng trên khắp địa bàn Hà Nội, trở thành một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Các tổ chức chính trị-xã hội thành phố đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương trong việc quản lý và củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hằng năm, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách, chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến ngày 30/4/2024 là 38.759 tỷ đồng với 1.031.013 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng. Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến ngày 30/4/2024 đạt 15.397 tỷ đồng với 272.412 khách hàng đang vay vốn, tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014.
Tuy nhiên, dù nguồn vốn tín dụng chính sách đã được quan tâm bổ sung nhưng do nhu cầu vay vốn nhiều, mặt bằng chi phí, giá cả ở Hà Nội lại cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, dẫn đến một số địa bàn có tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp, làm giảm hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Trước hạn chế này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thành phố trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách hằng năm, tiếp tục nghiên cứu chuyển một phần ngân sách sang chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội thành phố cho người dân vay vốn. Các cấp, các ngành, các tổ chức và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và trong từng giai đoạn; đưa nội dung triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí nguồn lực tại địa phương, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, hạn chế cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.