Ngày 10/7, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai năm 2024 và Triển khai Kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Thời gian qua, Bắc Ninh đã luôn chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và lấy phòng là chính, nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tỉnh đã tập trung xác định các trọng điểm về phòng chống thiên tai, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi; tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Vương Quốc Tuấn chỉ rõ công tác quản lý đê điều và thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn nhiều hạn chế, vi phạm tái diễn trong thời gian dài. Còn tình trạng ‘‘nhắm mắt làm ngơ’’, chính quyền cấp huyện, xã thiếu sát sao, buông lỏng trong xử lý vi phạm.
Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản và kiến nghị chính quyền các địa phương xử lý 893 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, kết quả xử lý của các địa phương còn hạn chế, còn hơn 700 trường hợp chưa được xử lý, đó là chưa kể hàng nghìn trường hợp vi phạm cũ từ năm 2000 trở về trước.
Dự báo thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường trong năm 2024, đồng chí Vương Quốc Tuấn đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch 2076/KH-UBND của tỉnh về xử lý vi phạm Luật Đê điều và Luật Thủy lợi, quyết liệt xử lý, giải tỏa vi phạm đê điều và thủy lợi.
Quang cảnh hội nghị. |
Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đề nghị các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp để đưa ra mốc thời gian xử lý. Qua đó, từng bước chấn chỉnh vi phạm, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hạn chế và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bảo đảm an toàn các công trình đê điều phục vụ công tác phòng chống lụt bão, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, giao thông đi lại, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà cho biết, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp của các loại hình thiên tai chủ yếu như: sạt lở đất, rét đậm rét hại, mưa, dông lốc, sét.
Tuy không bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và lũ các triền sông, nhưng các loại hình thiên tai nêu trên cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, điển hình là tình trạng sạt lở đất tại khu vực bãi sông đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Tỉnh Bắc Ninh đã phải huy động nguồn lực lớn để xử lý các sự cố để bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà. |
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa, giông, lốc, sét tại một số địa phương trong tỉnh đã làm tốc mái, hư hỏng một số công trình phụ, nhà màng trồng rau và một số loại cây trồng của nhân dân bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du.
Thông qua Hội nghị Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai năm 2024 và Triển khai Kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh với thành phần tham dự là những cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu chỉ đạo và tham gia làm nhiệm vụ ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, ban tổ chức mong muốn tăng cường công tác quản lý nhà nước đê điều, thủy lợi; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân và tài sản của Nhà nước.