Sẽ có định mức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

NDO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình thẩm định dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029 Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.
Quang cảnh Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029 Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029 Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 28/6/2024, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, lượng phát thải chất thải rắn sinh hoạt của cả nước lên đến hơn 64,4 nghìn tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước chiếm tỷ lệ 88,34%, tại đô thị chiếm 96,6% và tại nông thôn là 77,69%.

Về hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cả nước có 340 cơ sở đốt chất thải rắn, chiếm 21,96%; 30 cơ sở xử lý chất thải rắn thành mùn/phân hữu cơ, chiếm 1,9% và có 1.178 cơ sở chôn lấp chất thải rắn, chiếm 76,1%. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều cơ sở chôn lấp không bảo đảm vệ sinh.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ ở các địa phương; chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu.

Trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu với nguồn vốn đầu tư phần lớn từ ngân sách nhà nước, vốn từ khu vực tư nhân còn rất ít…

Sau khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bước đầu tại một số địa phương đã tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình thẩm định dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Dự thảo hai Thông tư đã quy định 24 quy trình kỹ thuật và chi tiết các định mức kinh tế-kỹ thuật tương ứng trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; vận hành trạm trung chuyển, trạm phân loại; xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác khác. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng, ban hành các quy định chi tiết, cụ thể đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong khuôn khổ chương trình Đại hội, các đại biểu đã nghe các báo cáo chuyên đề khoa học đến từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, chủ doanh nghiệp về công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải tiên tiến hiện nay. Từ đó nhận diện các khó khăn và kiến nghị để tháo gỡ những “nút thắt” trong việc triển khai các quy định, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về công tác tổ chức, Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam có hơn 250 hội viên tập thể đại diện cho gần 80.000 cán bộ, nhân viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng, khu công nghiệp… trong cả nước.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đã bám sát chương trình hoạt động đề ra trong nhiệm kỳ V để chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị hội viên trên toàn quốc về cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư công nghệ, cải thiện điều kiện lao động… vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hiệp hội đã tham gia tư vấn, phản biện nhiều cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến môi trường, công nghệ mới, các định mức kỹ thuật, công nghệ đang được thực nghiệm và đưa vào áp dụng trong thực tế quản lý đô thị và khu công nghiệp; tham gia các Hội đồng cấp Nhà nước thẩm định công tác quy hoạch đô thị, cấp thoát nước, nâng cấp đô thị…