Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020

NDO - Hưởng ứng sự kiện Ngày Môi trường thế giới, Tháng “Hành động vì môi trường năm 2024”, ngày 5/6, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc Hội thảo.
Quang cảnh cuộc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo và phát động Tháng “Hành động vì môi trường năm 2024”, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trước thực trạng khủng hoảng về khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, với mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên cùng với sự gia tăng dân số thế giới dự kiến chạm ngưỡng 9,6 tỷ người vào năm 2050, sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh sống của nhân loại.

"Chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Việc lựa chọn chủ đề Hội thảo hôm nay góp phần quan trọng cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giữa khai thác, sử dụng bền vững di sản thiên nhiên gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường", Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Địa lý nhân văn nhấn mạnh: Việt Nam tự hào đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, trong đó, có 5 di sản văn hóa, 3 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp.

Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 ảnh 2

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Địa lý nhân văn.

Ngoài ra, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên Địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông. Ba công viên địa chất toàn cầu này đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm với tốc độ rất nhanh. Nhiều vụ xây dựng trái phép các công trình kinh doanh du lịch chưa tuân thủ quy hoạch đã và đang xâm phạm không gian, làm biến dạng cảnh quan di sản thiên nhiên với mức độ tổn thương lớn, gây thiệt hại không nhỏ về giá trị cảnh quan của các di sản.

Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng khẳng định vai trò và trách nhiệm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường hướng tới cụ thể hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững của đất nước. Người lao động trong Viện sẽ được làm giàu thêm kiến thức, thực hiện tốt hơn vai trò tư vấn chính sách và thực hiện chức năng tham mưu, phản biện, đóng góp cơ sở khoa học trong sự phát triển chung của đất nước.

Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 ảnh 3

"Phiên chợ" đổi rác lấy cây tại sảnh cuộc họp.

Các đại biểu đã trao đổi ý kiến chung quanh 4 tham luận: Bảo vệ di sản - Bảo vệ niềm tự hào dân tộc; Một số điểm mới về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; Công viên Địa chất toàn cầu với công tác bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; Phát triển du lịch và bảo tồn di sản thiên nhiên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra kiến nghị: Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát động cuộc thi “Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chung tay kêu gọi bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên Việt Nam” và tổ chức chương trình “Đổi rác lấy cây”.