Theo Ember, các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp 30,3% điện năng toàn cầu trong năm 2023, cao hơn so với mức 29,4% của năm 2022. Kết quả này là do sự mở rộng nhanh chóng các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Công suất điện mặt trời gia tăng mở ra cơ hội để thế giới đạt mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 đã được hơn 100 nước nhất trí tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra hồi năm ngoái ở Dubai.
Các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp 30,3% điện năng toàn cầu trong năm 2023, cao hơn so với mức 29,4% của năm 2022. Kết quả này là do sự mở rộng nhanh chóng các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Trong “bức tranh năng lượng xanh” năm 2023, Trung Quốc nổi bật, đóng góp hơn 50% lượng điện mặt trời và điện gió trên toàn cầu. Các cường quốc khác cũng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng và đạt kết quả tích cực.
Tại Đức, hơn một nửa lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế đầu tàu châu Âu là từ năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, trong quý I/2024, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng đáng kể, đạt gần 77 TWh, tăng khoảng 11% so với mức cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm khoảng 56% lượng điện tiêu thụ. Các dự án lắp đặt hệ thống quang điện và năng lượng gió được phê duyệt gia tăng. Năng lượng gió trên bờ là nguồn cung cấp điện quan trọng nhất, đóng góp 22% sản lượng điện. Số lượng hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt đạt mức kỷ lục...
Bỉ cũng đang xây dựng đảo năng lượng ngoài khơi đầu tiên trên thế giới mang tên Princesse Elisabeth nhằm kết nối các trang trại điện gió ở Biển Bắc với đất liền. Đây là thí dụ điển hình về sự đổi mới và cam kết của Bỉ về năng lượng tái tạo. Đảo năng lượng Princesse Elisabeth là một bước tiến quan trọng về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Bỉ và châu Âu, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chống biến đổi khí hậu.
Theo Ember, sự tăng trưởng liên tục của năng lượng tái tạo có thể giúp giảm 2% sản lượng điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2024, qua đó đẩy tỷ trọng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch trong tổng lượng điện toàn cầu lần đầu tiên xuống dưới 60%.
Việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải trong ngành điện là yếu tố quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Sự phụ thuộc của ngành điện toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch đang giảm dần, góp phần làm giảm lượng phát thải của ngành. Sự thay đổi này là dấu mốc lớn trong tiến trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn.
Cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Mỹ đã hoàn tất bộ quy tắc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và nước do khí thải từ các nhà máy điện, qua đó sẽ giúp Mỹ cắt giảm hơn 1 tỷ tấn khí thải vào năm 2047 ngay cả khi nhu cầu điện tăng cao.
Bộ quy tắc mới nhằm cắt giảm lượng phát thải các-bon từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than hiện nay, đồng thời cập nhật và hoàn thiện những quy định để giảm thủy ngân và các chất gây ô nhiễm không khí, cũng như làm sạch nước thải và ngăn tro than phát tán ra môi trường. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, báo cáo của Ember cũng chỉ ra những thách thức, đặc biệt là việc kết nối lưới điện và xin cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo mới. Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua những rào cản này để đạt được các mục tiêu vào năm 2030. Thêm vào đó, tài chính cho chuyển đổi năng lượng cũng là vấn đề quan trọng. Thế giới cần huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để có thể thực hiện các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.