Ai Cập với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng xanh

Tại hội nghị quốc tế về chuyển đổi năng lượng diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Năng lượng Ai Cập 2024 (Egypt Energy Show - EGYPES 2024) ở trung tâm hội nghị quốc tế Al Manara tại New Cairo, Bộ trưởng Dầu khí và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập Tarek El Molla khẳng định cam kết của nước này đối với xu hướng toàn cầu sử dụng hydro và các nguồn năng lượng sạch, đồng thời kêu gọi tăng cường viện trợ cho các nước châu Phi để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Ai Cập đang nỗ lực đưa quốc gia Bắc Phi trở thành trung tâm năng lượng xanh của khu vực.

Hội nghị trên được tổ chức vào thời điểm thế giới đang đối mặt những mối đe dọa nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho tương lai phát triển bền vững. Với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, an ninh và khử carbon”, hội nghị giúp định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho ngành năng lượng và nguồn nhân lực liên quan.

Ai Cập đã thúc đẩy chuỗi quan hệ đối tác đầu tư với các công ty toàn cầu chủ chốt nhằm thiết lập các dự án hydro xanh tại Khu Kinh tế Kênh đào Suez, góp phần vào các nỗ lực nhằm đạt những mục tiêu của Chiến lược Hydro xanh quốc gia. Với mong muốn đưa nước này trở thành trung tâm năng lượng xanh trong khu vực, Quỹ Chủ quyền Ai Cập đã khánh thành nhà máy tích hợp sản xuất amoniac xanh đầu tiên ở châu Phi và các thị trường mới nổi, với sự hợp tác của một số công ty toàn cầu.

Ai Cập mới đây ký bảy Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển các dự án hydro xanh và năng lượng tái tạo với bảy nhà phát triển toàn cầu. Các đối tác tham gia ký các MOU bao gồm công ty, liên doanh của Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada. Theo đó, bảy nhà phát triển toàn cầu sẽ rót khoản đầu tư 12 tỷ USD cho giai đoạn thí điểm và khoảng 29 tỷ USD cho giai đoạn đầu, nâng tổng vốn đầu tư lên khoảng 41 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Là quốc gia nổi tiếng với các di sản văn hóa, cổ vật, Ai Cập đã triển khai dự án thiết lập các trạm năng lượng mặt trời tại một số bảo tàng và địa điểm khảo cổ trên phạm vi toàn quốc. Dự án nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ Du lịch và Cổ vật giúp biến các bảo tàng và địa điểm khảo cổ thành những địa điểm tham quan xanh, sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp thay thế bền vững và khả thi về mặt kinh tế.

Dự án góp phần bảo tồn, bảo vệ, phục hồi môi trường và mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các di sản văn hóa, nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững năm 2030 của Ai Cập. Trạm năng lượng mặt trời tại các địa điểm khảo cổ có tác dụng thúc đẩy sử dụng các hệ thống pin mặt trời nhỏ tại Ai Cập.

Trong khi đó, Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập cũng đã ký thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD với Công ty Scatec của Na Uy để phát triển một trang trại điện gió với công suất 5 GW tại tỉnh Sohag (miền nam Ai Cập). Đây là một trong nhiều dự án năng lượng tái tạo được Ai Cập triển khai trong một thập niên qua, giữa lúc quốc gia Bắc Phi đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên 42% vào năm 2030. Công ty Scatec đã hoạt động tại Ai Cập từ năm 2017 sau khi ký hợp đồng mua bán điện có thời hạn 25 năm để xuất khẩu 380 MW điện từ Ai Cập sang châu Âu mỗi năm.

Hồi tháng 5/2023, công ty Na Uy này cũng ký một thỏa thuận với Ai Cập để xây dựng nhà máy sản xuất methanol xanh đầu tiên của quốc gia Bắc Phi tại tỉnh Damietta, thuộc khu vực đồng bằng sông Nile. Năm 2022, Scatec cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD với Chính phủ Ai Cập để sản xuất hydro xanh tại một nhà máy ở thành phố Ain Sokhna (bên bờ Biển Đỏ). Scatec hiện cũng sở hữu và vận hành công viên năng lượng Mặt trời Benban ở tỉnh Aswan của Ai Cập, một trong những công viên năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới với tổng công suất 1,8 GW.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ai Cập. Quốc gia đông dân nhất thế giới Arab đang nỗ lực trở thành nhà xuất khẩu điện chủ chốt sang thị trường châu Âu thông qua một tuyến cáp ngầm dưới biển nối Ai Cập với Attica của Hy Lạp. Dự kiến được hoàn thành trong bảy năm, tuyến cáp ngầm sẽ truyền tải 3.000 MW điện từ Ai Cập tới châu Âu mỗi năm.

Mong muốn trở thành trung tâm năng lượng khu vực, Ai Cập sẵn sàng hợp tác với các đối tác để xây dựng đường dây liên kết điện với châu Âu. Ai Cập hiện có đường dây liên kết điện với Jordan, Sudan và Libya, đồng thời đang nghiên cứu các dự án tương tự với Saudi Arabia, Hy Lạp, Cyprus và Italia.