Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.
Cùng dự có bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ngay sau khi Tràng An trở thành di sản thế giới, tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý, các văn bản chỉ đạo gắn bảo tồn Di sản với phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững.
Đến nay, sau 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, công tác quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của Tràng An đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản được tôn trọng và gìn giữ, công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, hợp tác quốc tế được tăng cường; công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của Di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới; các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch trên toàn tỉnh Ninh Bình.
Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình
Năm 2023, Ninh Bình được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất Thế giới; giải thưởng thường niên lần thứ 11 của tạp chí Traveller Review Awards bình chọn Ninh Bình đứng thứ 7 trong tốp 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Đến hết năm 2023, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, trong đó khu vực dịch vụ chiếm 47,1%. Từ hơn 2,2 triệu lượt khách năm 2014, khu di sản Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách năm 2023.
Cộng đồng người dân sinh sống trong vùng di sản được tham gia bảo vệ di sản và hưởng lợi trực tiếp từ di sản. Các giá trị của Di sản đến được với mọi người dân, đem lại giá trị tinh thần, gắn kết xã hội, duy trì sinh kế truyền thống và tạo sinh kế mới hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Di sản Tràng An đã thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ, gìn giữ và hưởng lợi từ Di sản.
Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 phát biểu. |
Bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 khẳng định, nhờ cách tiếp cận đa bên và hợp tác sáng tạo, Tràng An đã trở thành một hình mẫu trong bối cảnh năng động về phát triển bền vững, một mô hình nơi các cộng đồng địa phương không chỉ đơn thuần là người hưởng lợi, mà còn là nhân vật chính trong câu chuyện cân đối hài hòa giữa du lịch bền vững và bảo tồn di sản.
Ngoài sức hấp dẫn tuyệt vời về mặt thẩm mỹ, Tràng An còn là một bằng chứng cụ thể về việc bảo tồn tính đa dạng của di sản và chia sẻ công bằng những lợi ích thu được từ việc khai thác danh thắng, nâng cao ý thức thuộc về nơi này, tôn trọng lẫn nhau, gắn kết xã hội, cũng như sự tự do về lựa chọn và hành động của các cá nhân và tập thể.
Thành tựu này là kết quả của nỗ lực chung của tất cả chúng ta trong việc khai phóng sức mạnh đột phá của di sản để làm phong phú thêm cuộc sống của cả thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.
Trong kỷ nguyên với nhiều thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu, khi những biến động về xã hội và lợi ích khác nhau thường khiến chúng ta cảm thấy trở nên lạc lõng, thì các mối quan hệ hợp tác để bảo vệ Tràng An lại trở thành cầu nối, thúc đẩy đối thoại và hiểu biết giữa các cộng đồng, nhóm người và cá nhân trên toàn thế giới.
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 nhấn mạnh, hướng tới hội nghị thượng đỉnh tương lai của Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự sau năm 2030, hãy cùng nhau bảo đảm rằng văn hóa - với vai trò là một lợi ích chung của công chúng - sẽ được trân trọng trong hành động chung của chúng ta như một lời cam kết mạnh mẽ. Đồng thời, Bà Simona Mirela Miculescu mong rằng, giai đoạn mười năm tiếp theo trong chương sử của Tràng An sẽ tiếp tục được viết nên bằng hoạt động hợp tác, bảo tồn và một tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng, bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, trở thành di sản hỗn hợp thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á-Thái Bình Dương và là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau 10 năm được ghi danh, với sự vào cuộc quyết liệt quyết tâm và cách làm bài bản sáng tạo, chính quyền doanh nghiệp và người dân Ninh Bình, Quần thể danh thắng Tràng An được đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa sự phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đồng thời, Tràng An trở thành biểu tượng của sự cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa tự nhiên của thế giới.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trần Lưu Quang biểu dương ghi nhận và đánh giá cao những thành tích trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 10 năm qua.
Để tiếp tục phát huy các thành tựu và hiện thực hóa khát vọng, hướng tới sự phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền Ninh Bình cùng các cấp ngành, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân cùng chung sức đồng lòng chủ động sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ban ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế tiếp tục xây dựng bảo tồn quy hoạch và phát triển giá trị di sản Tràng An.
Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò sự tham gia tích cực có trách nhiệm của người dân trong vùng di sản, giúp người dân vừa tham gia bảo tồn di sản vừa được hưởng lợi từ di sản để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, sáng tạo theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số gia tăng giá trị kinh tế của di sản; phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp hiện đại, sáng tạo có tính cạnh tranh cao lấy bảo tồn di sản làm nền tảng tạo động lực phát triển; tích cực hội nhập quốc tế trong việc bảo tồn giữ gìn, phát huy giá trị di sản toàn cầu, nhất là đối với UNESCO; quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa con người thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu. |
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định, từ các kết quả tốt đẹp đã đạt được trong thời gian qua và với quyết tâm cao nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa nội lực, truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn với tinh thần chủ động, sáng tạo để bảo tồn, gìn giữ, phục hồi, phát huy giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An; hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.