Ninh Bình phát huy giá trị di sản thế giới

Năm 2024 đánh dấu tròn 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cũng tròn 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Di sản thế giới của UNESCO. Sở hữu tám di sản thế giới, Việt Nam hiện là quốc gia thành viên tích cực, có những đóng góp ghi dấu ấn trong thực hiện chính sách của UNESCO về bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ðền Vua Ðinh nằm trong quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh. (Ảnh TRƯỜNG HUY)
Ðền Vua Ðinh nằm trong quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh. (Ảnh TRƯỜNG HUY)

Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản thế giới (ngày 25/6/2014), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương, góp phần tạo ra những thương hiệu mạnh để Ninh Bình phát triển du lịch bền vững.

Phát huy các giá trị của di sản “kép”

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (hiện là di sản “kép” duy nhất ở Ðông Nam Á) đã tạo cơ hội và động lực để Ninh Bình thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới. Danh hiệu di sản thế giới đã tác động tích cực đến quá trình phát triển của tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững với mô hình kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” mà trọng tâm là du lịch và dịch vụ dựa trên việc bảo vệ di sản.

Di sản Tràng An đã khẳng định được thương hiệu du lịch cả trong nước và quốc tế. Từ hơn 2,2 triệu lượt du khách (năm 2014), Tràng An đã đón hơn 4,6 triệu lượt (năm 2023), đem lại doanh thu 4.500 tỷ đồng. Và chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Ninh Bình đã đón 3,9 triệu lượt du khách (trong đó có 339 nghìn lượt khách quốc tế), đem lại doanh thu 3.660 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 46% so với cùng kỳ năm 2023). Cơ cấu kinh tế của Ninh Bình nhờ đó đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ lên 47,1%.

Số lao động trực tiếp tại Tràng An hiện có hơn 10 nghìn người, lao động gián tiếp hơn 20 nghìn người. Thu nhập của cộng đồng cư dân địa phương từ hoạt động du lịch nâng cao rõ rệt. Cộng đồng dân cư bản địa Tràng An sống trong di sản, tham gia bảo vệ di sản và hưởng lợi trực tiếp từ di sản. Di sản đã đem lại giá trị cả vật chất và tinh thần, góp phần gắn kết xã hội và tạo sinh kế bền vững cho mọi người dân trong vùng di sản.

Xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội, Ninh Bình đã không ngừng đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An. Theo đó, tác động mạnh mẽ đến phát triển du lịch, làm phong phú thêm sinh kế của cư dân tại vùng di sản, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định.

Ninh Bình thực hiện nhất quán, kiên định phương thức phát triển “Xanh-Bền vững-Hài hòa”, dựa trên cơ sở phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An. Các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên đã khẳng định vai trò là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng, và Ninh Bình đã phát triển bứt phá ngoạn mục, trở thành địa phương phát triển toàn diện, là tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,27% (năm 2023), cao hơn mặt bằng chung của cả nước.

Ninh Bình phát huy giá trị di sản thế giới ảnh 1

Lễ hội Tràng An được tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch hằng năm. (Ảnh TRƯỜNG HUY)

Mô hình hợp tác công-tư

Danh hiệu di sản thế giới đóng vai trò như “viên ngọc quý” để thu hút du khách. Song, việc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được tính xác thực và tính toàn vẹn của di sản thế giới là rất quan trọng. Ðiều này chỉ có được khi tất cả các bên liên quan (Nhà nước, khu vực tư nhân và cộng đồng cư dân địa phương) đồng lòng tham gia.

Ninh Bình đã lựa chọn mô hình quản lý bảo tồn nguyên vẹn, bền vững các giá trị của di sản và phát huy các giá trị đó vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình cũng góp phần tích cực trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, như đưa nghệ thuật hát xẩm, múa rối nước vào phục vụ du khách tại các điểm, tuyến tham quan; tăng cường quảng bá ẩm thực; đẩy mạnh hình thức du lịch làng nghề nhằm tạo lợi thế để thu hút du khách.

Trong chuyến thăm chính thức di sản Tràng An (tháng 9/2022), bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO nhận định: Quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Bà Audrey Azoulay cũng đánh giá cao mô hình quản lý di sản mà tỉnh Ninh Bình áp dụng (sự phối hợp giữa Nhà nước-Nhà khoa học-Doanh nghiệp-Người dân), đã phát huy tối đa các giá trị di sản, đồng thời chủ động ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hoạt động xâm hại di sản.

Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker, UNESCO coi quan hệ hợp tác công-tư là yếu tố quan trọng để thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững, đặc biệt là việc bảo tồn di sản để phát triển du lịch bền vững. UNESCO đánh giá cao cách tiếp cận, sự quan tâm và hợp tác của các đối tác công-tư tại Ninh Bình, với nhiều sáng kiến tạo môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo cơ hội cho cộng đồng cư dân địa phương phát triển các sản phẩm du lịch di sản đặc trưng. Di sản Tràng An đã giữ được vai trò như một biểu tượng trong việc lan tỏa giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan, môi trường trên toàn thế giới, giúp thúc đẩy sự hiểu biết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định, trong quản lý và phát triển bền vững di sản thế giới Tràng An, mô hình hợp tác công-tư không còn là khái niệm xa lạ. Quan trọng nhất trong mô hình này là quy chế phối hợp giữa các bên và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Các đơn vị khai thác phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, chính sách pháp luật; Nhà nước phải thường xuyên xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định đồng thời với thanh tra, kiểm tra, định hướng và kịp thời uốn nắn để doanh nghiệp khai thác sản phẩm một cách bền vững nhất.

Từ khi Tràng An được vinh danh là di sản thế giới, các khuyến nghị của UNESCO được chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành ở Ninh Bình thực hiện đầy đủ. Từ củng cố bộ máy, tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ đến bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng, ban hành các quy chế bảo vệ di sản; xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý; quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, ngăn chặn các nguy cơ tác động, xâm hại di sản...

Các khu, điểm du lịch trong vùng di sản đã đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, hướng tới tăng trưởng “xanh”. Di sản đã thật sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và trao truyền. Quan hệ đối tác công-tư đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị nguyên gốc của Quần thể danh thắng Tràng An. Dù vẫn còn một số khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đôi khi có một số xung đột nhất định, nhưng ba trụ cột: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư (trong đó, cộng đồng dân cư có vai trò đặc biệt quan trọng) đã góp phần tạo nên thành công.

Trong mô hình hợp tác công-tư về bảo tồn, phát huy giá trị di sản có bốn đối tác trụ cột. Ðó là: Ðối tác công - hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về di sản; Ðối tác là doanh nghiệp với chiến lược phát triển bền vững; Ðối tác là cộng đồng cư dân địa phương; và Ðối tác là các nhà khoa học có chức năng tư vấn, kết nối liên kết giữa Nhà nước-Doanh nghiệp-Người dân.

PGS, TS Ðặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Mô hình hợp tác công-tư trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Ninh Bình đang được thực hiện bằng hình thức “du lịch có trách nhiệm” dựa trên nền tảng các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An, với phương châm: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả…

Sự xuất hiện các cơ hội kinh tế tại nhiều địa phương có ý nghĩa nổi bật và tạo ra nhiều hình thức việc làm mới. Ninh Bình với mục tiêu xây dựng “Ðô thị di sản thiên niên kỷ”, cần thiết phát triển các cơ chế đặc thù thúc đẩy hợp tác công-tư song hành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội như một cách tiếp cận bền vững. Cách tiếp cận này coi di sản là nguồn lực cho phát triển lâu dài, chú trọng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ và hướng tới đối tượng thụ hưởng chính là người dân địa phương.

Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng “Ðô thị di sản thiên niên kỷ, Thành phố sáng tạo” mà di sản Tràng An là trung tâm. Kỳ vọng với những thành tựu đã đạt được, cùng sự vận hành bài bản, có định hướng chiến lược, có quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cụ thể trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới, Ninh Bình sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu này.