Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình

NDO - Ngày 1/3, tỉnh Ninh Bình tổ chức Tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An".
0:00 / 0:00
0:00
Đảo Khê Cốc - Nơi tái hiện sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An là sản phẩm du lịch mới độc đáo của tỉnh Ninh Bình.
Đảo Khê Cốc - Nơi tái hiện sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An là sản phẩm du lịch mới độc đáo của tỉnh Ninh Bình.

Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; đồng thời, đánh dấu sự hợp tác và nỗ lực của nhiều bên liên quan trong việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững.

Tới dự có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: ANH TUẤN)

Sau 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên toàn thế giới; là nơi kết hợp một cách hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện những câu chuyện của lịch sử cổ xưa và là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: ANH TUẤN)

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng cho biết, việc phát triển các sản phẩm du lịch di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ là phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch và phát triển kinh tế du lịch, mà quan trọng hơn là thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử, diễn giải các giá trị di sản một cách khoa học để bảo đảm rằng những giá trị quý báu này sẽ được lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đặc biệt, góp phần thiết thực lan tỏa các giá trị của di sản, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế dựa trên nền tảng di sản; trong đó, công nghiệp văn hóa và kinh tế di sản là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ sự phát triển của cộng đồng cư dân địa phương và của đất nước.

Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình ảnh 3

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã trình bày báo cáo tại tọa đàm. (Ảnh: ANH TUẤN)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, địa thế Ninh Bình với đặc trưng là một vùng sơn địa đá vôi cửa biển lầy trũng chua mặn, luôn là một vùng địa hình chia cắt, hiểm trở, khó phát triển thành một vùng kinh tế trù phú. Bất lợi thiên nhiên đó đã tạo ra một Ninh Bình nghèo khó, hoang sơ cho đến tận cuối thế kỷ XX. Từ đó đến nay, Ninh Bình đã tạo ra một cuộc vượt cạn ngoạn mục, từng bước biến những bất lợi tự nhiên thành thế mạnh mới, chuyển những lợi thế di sản thành tài sản, quặng quý bằng những sản phẩm du lịch có thể giúp nhân dân trong tỉnh thoát nghèo và phục vụ nhân dân trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Ninh Bình đã tạo ra một cuộc vượt cạn ngoạn mục, từng bước biến những bất lợi tự nhiên thành thế mạnh mới, chuyển những lợi thế di sản thành tài sản, quặng quý bằng những sản phẩm du lịch có thể giúp nhân dân trong tỉnh thoát nghèo và phục vụ nhân dân trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

Trong khuôn khổ gìn giữ và phát triển một di sản thế giới được UNESCO công nhận, Ninh Bình dự tính biến những di sản tự nhiên văn hóa sẵn có đó thành lõi cốt của một công viên di sản trong lòng một thành phố di sản lớn nhất đất nước và có khả năng vươn lên ngang hàng với những thành phố di sản trong khu vực và trên thế giới.

Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình ảnh 4

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trình bày nội dung "Di sản địa chất tại Quần thể Danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch". (Ảnh: ANH TUẤN)

Tại hội thảo các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung phân tích các nghiên cứu khoa học về tiềm năng của Di sản Tràng An; nêu bật lên được đặc trưng, tiềm năng địa thế, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử; những thuận lợi, khó khăn và những bước tiến trong khai thác tài nguyên di sản thành tài sản tại Ninh Bình nói chung và Tràng An nói riêng.

Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình ảnh 5

Ông Bùi Văn Tự, Công ty cổ phần Ánh sáng Điêu khắc Đại Việt mang đến tọa đàm một số ý tưởng về không gian trải nghiệm với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng có tên gọi "Lịch sử Tràng An-Từ ngọn lửa đầu tiên cho đến những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới". (Ảnh: ANH TUẤN)

Đồng thời, tìm kiếm, gợi mở các giải pháp để xây dựng các sản phẩm du lịch di sản đặc trưng riêng có trên cơ sở nền tảng các di tích, di vật khảo cổ học, cùng với các di sản văn hóa phi vật thể trong Quần thể danh thắng Tràng An như: trải nghiệm dân tộc học trong không gian văn hóa di sản; một số kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch dựa trên tài nguyên di sản khảo cổ học và lịch sử; khai thác tiềm năng khảo cổ học phong phú của Tràng An nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau; diễn giải hệ thống thời Trần trong không gian Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; triển vọng trong phát triển các sản phẩm du lịch từ khảo cổ học cảnh quan ở Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; tài nguyên kinh tế du lịch di sản từ thương hiệu đô thị di sản thiên niên kỷ và những gợi ý nghiên cứu tiềm năng;….

Phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản Tràng An, Ninh Bình ảnh 6

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: ANH TUẤN)

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, di sản là tài sản của quá khứ kết tinh lại. Tuy nhiên, khác với các loại tài sản khác, di sản là dạng tài sản đặc biệt, thông qua những cơ chế đặc thù để chuyển hóa thành các sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững. Muốn chuyển hóa được tài sản đó thì phải nhận diện được hình thái, bản chất từ đó nghiên cứu, phục dựng làm cơ sở để Ninh Bình khai thác phục vụ mục tiêu hướng tới xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Nhấn mạnh về tinh thần dân tộc, khát vọng quốc gia được thể hiện trong nhiều nội dung dọc chiều dài lịch sử Cố đô như y tế, ca nhạc, lễ hội dân gian, tín ngưỡng, kiến trúc… đồng chí cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để Ninh Bình phát triển kinh tế di sản dựa trên những giá trị bản địa, lịch sử vốn có. Đây cũng là định hướng mà Ninh Bình đang tập trung khai thác để phù hợp với yêu cầu của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của di sản.

Thông qua tọa đàm lần này, mang đến những luận cứ khoa học để Ninh Bình tiếp tục định dạng từng loại di sản nhằm làm rõ hơn giá trị riêng biệt của Tràng An. Đồng thời, góp phần quan trọng để tỉnh hướng tới việc xây dựng bộ lịch sử mang đúng tầm vóc, chiều dài lịch sử của vùng đất Cố đô, đặc biệt từ trước thế kỷ X.