Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương, qua hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã nâng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 32,31%/năm.
Toàn tỉnh có hơn 565 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị sản xuất 938 triệu đồng/ha/năm.
Ninh Thuận có 38 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả (mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30 dự án). Tỉnh đã công nhận ba vùng, gồm: Vùng sản xuất tôm giống, vùng sản xuất rau an toàn An Hải, xã An Hải, huyện Ninh Phước và vùng nuôi tôm ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Đồng thời công nhận bốn doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút sáu doanh nghiệp ngoài tỉnh làm hạt nhân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn.
Ông Nguyễn Minh Tín, Phó Tổng Giám đốc Công ty GC Food cho biết, công ty đã đầu tư trồng cây nha đam gắn với xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm lớn nhất Việt Nam. Từ sản xuất đến chế biến sản phẩm đều được áp dụng công nghệ tiên tiến theo hướng tự động hóa, năng lực sản xuất hơn 45.000 tấn thạch nha đam/năm. Sản phẩm được cấp chứng nhận Global GAP và đã được xuất khẩu ra nước ngoài, rất được ưa chuộng.
Ông Nguyễn Minh Tín, Phó Tổng Giám đốc Công ty GC Food ký kết bao tiêu sản phẩm nha đam với doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Thuận. |
Các doanh nghiệp và nông dân tỉnh Ninh Thuận xác định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần được nhân rộng. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân an tâm đầu tư sản xuất và phát triển, hướng tới hội nhập kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn còn manh múm, nhỏ lẻ, cụ thể: Các mô hình sản xuất chưa phát triển thành những vùng liên canh, liên kết, khiến cho sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao.
Hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất còn thấp; việc thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Trong năm 2023, Ninh Thuận đã có hai sản phẩm được xuất khẩu (tôm sú giống bố mẹ và thạch nha đam) và đạt chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025. Trong khi đó, định hướng xuất khẩu các sản phẩm từ cây nho, táo đến nay vẫn chưa thực hiện được. Diện tích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 56,6%; sản lượng tôm giống đạt được 82%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết: Để giải quyết những thách thức trong sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, tỉnh rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tạo đột phá bằng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. |
Giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho nông dân cũng như doanh nghiệp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với kinh tế số, chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Các sở, ngành có liên quan rà soát lại các vùng và tập trung tổ chức triển khai hiệu quả quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với Đề án phát triển sản xuất thuộc vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để mở rộng vùng trồng tập trung, chuyên canh; tăng cường thu hút đầu tư và lồng ghép các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Các địa phương và ngành chức năng sớm nghiên cứu và có kế hoạch phát triển chế biến các sản phẩm nông sản đặc thù; xem xét lựa chọn từ 2-3 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên sản phẩm nho và táo. Cùng với đó, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; thực hiện cấp mã số vùng trồng, mã đóng gói đối với các cây trồng chủ lực, đặc thù của tỉnh để định hướng xuất khẩu”. Phó Chủ tịch Trịnh Minh Hoàng nói.
Các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao ngoài tỉnh ký kết với doanh nghiệp, hợp tác xã tại tỉnh Ninh Thuận bản ghi nhớ hợp tác để phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. |
Dịp này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã cùng ký kết bản ghi nhớ hợp tác bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường trong thời gian tới.