Kon Tum đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao với phát triển nông nghiệp hàng hóa

NDO - Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa 16, về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay nền nông nghiệp của tỉnh Kon Tum đã bước đầu đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng cà chua trong nhà lưới tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.
Trồng cà chua trong nhà lưới tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.

Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là 16.192,92ha. Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (cà-phê, các loại rau, cây ăn quả ...) đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate... diện tích áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đạt gần 800ha.

Để đạt được các kết quả đáng khích lệ trên, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền các địa phương và các Sở, ban ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Các địa phương đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU. Các chương trình, kế hoạch đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, bên cạnh đó đề ra những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu, mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết.

Kon Tum đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao với phát triển nông nghiệp hàng hóa ảnh 1

Vườn Dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen.

Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum điển hình như công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính; công nghệ tự động hóa trong trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất; công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật;…

Kon Tum đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao với phát triển nông nghiệp hàng hóa ảnh 2

Dự án trồng cây ăn quả (mít thái, sầu riêng) ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Công ty TNHH sản xuất, chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ các công nghệ tiên tiến trên thế giới vào lĩnh vực nông nghiệp. Dự án trồng cây ăn quả (mít thái, sầu riêng) ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Công ty TNHH sản xuất, chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát đã trồng khoảng 270ha sầu riêng xen Mít thái, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng chi phí đến nay khoảng 300 tỷ đồng.

Dự kiến, sản phẩm sầu riêng của Công ty sẽ xuất khẩu sang các thị trường như: Australia, Anh, Trung Quốc, Singapore bắt đầu từ năm 2024. Theo đánh giá sơ bộ, sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giảm chi phí đầu tư về sau, đáp ứng đầu ra ổn định và bền vững.

Kon Tum đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao với phát triển nông nghiệp hàng hóa ảnh 3

Sầu riêng được sản xuất công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Bùi Văn Quyển.

Ông Bùi Văn Quyển, tại làng Tum, xã Ya Ly cho biết, ông áp dụng mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 24,97ha của gia đình, trong đó, có gần 21ha đã được cấp mã số vùng trồng.

Hiện tại, có 13 ha đã cho thu hoạch; sản lượng thu hoạch năm 2023 khoảng 300 tấn, giá bán 74.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 22 tỷ đồng, trừ chi phí lợi nhuận gia đình ông thu được khoảng 17 tỷ đồng.

Một kết quả quan trọng sau khi triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU là tư duy canh tác của người dân trên địa bàn đã dần thay đổi, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nhiệp, ứng dụng các công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, từng bước điều chỉnh sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng... Qua đó, ổn định đầu ra cho nông sản và giá thành sản phẩm, góp phần ổn định kinh tế-xã hội và đời sống người dân.

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đã cấp được 20 mã số vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 346,21ha và 2 mã số cơ sở đóng gói, cụ thể 6 mã số vùng trồng chuối với diện tích hơn 95ha; 3 mã số vùng trồng mít thái với diện tích 103ha; 6 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 89,5ha; 2 mã số vùng trồng chanh leo diện tích 25,7ha; 1 mã số vùng trồng dứa với diện tích 12ha; 1 mã số vùng trồng cây mắc ca với diện tích 10ha và 1 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 11ha (tiêu thụ nội địa); 2 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu (cơ sở đóng gói chuối 969m2 và cơ sở đóng gói chanh leo 1.200m2).

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật xem xét, đàm phán với nước nhập khẩu cấp mã số cho 9 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích 194ha. Các mã số trên đang chờ nước nhập khẩu kiểm tra trực tuyến tại các vùng trồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ cùng các sở ngành, địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, trong đó có các chỉ tiêu về nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

Trong đó, Kon Tum nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ gắn với liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, rà soát, đẩy mạnh việc dồn đổi tích tụ ruộng đất để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Kon Tum đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao với phát triển nông nghiệp hàng hóa ảnh 4

Sơ chế, đóng gói rau củ quả hữu cơ tại Hợp tác xã rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen.

Để có thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, đòi hỏi trong thời gian tới, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, địa phương, và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh; từ đó xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà dần từng bước hiện đại theo hướng sạch, xanh và bền vững.