Nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao

Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 130.000 ha, trong đó, có gần 8.000 ha nuôi theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh; là địa phương có sản lượng tôm nước lợ đứng thứ hai cả nước. Tỉnh đang tập trung phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội...
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao tại vùng ven biển Bạc Liêu.
Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao tại vùng ven biển Bạc Liêu.

Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 23 công ty, hợp tác xã với gần 800 hộ dân tham gia nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đầu tư ao nuôi theo hai dạng: Mô hình ao nuôi trải bạt, nhà kính, kiểm soát được nắng-mưa, chi phí đầu tư khá lớn, từ 5-7 tỷ đồng/ha; còn mô hình ao nuôi trải bạt, nhà lưới, không kiểm soát được mưa, chi phí đầu tư thấp, khoảng 400-500 triệu đồng/ha. Với mô hình nhà kính, mật độ thả nuôi 500 con/m2, sản lượng thu hoạch bình quân từ 180-240 tấn/ha/năm, nuôi 3 vụ/năm. Nuôi tôm theo mô hình nhà lưới, mật độ thả nuôi từ 250-300 con/m2, năng suất đạt hơn 150 tấn/ha, nuôi 3 vụ/năm.

Anh Ngô Quốc Hùng ở xã Long Điền Long A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết, anh đã áp dụng nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà lưới hơn 1.000m2, cho thu hoạch 2 vụ, thu lãi hơn 1 tỷ đồng một vụ.

Anh Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Long Mạnh ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cho biết, công ty áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ siêu thâm canh hai giai đoạn hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước, được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt nhất hiện nay. Công ty xây dựng 20 hồ, mỗi hồ có diện tích từ 500-800m2 được làm từ khung sắt tròn, phủ bạt và hệ thống xử lý nước thải theo quy trình Biofloc. Giai đoạn ương cho tỷ lệ sống đạt hơn 75% và hoàn toàn không thay nước, chỉ bổ sung mật đường và vi sinh mỗi ngày, giảm lượng thức ăn hơn 1/3 so với các quy trình khác.

Tôm nuôi theo các mô hình ứng dụng công nghệ cao ít bị bệnh dịch, tỷ lệ thành công từ 85-90%. Năng suất bình quân đạt từ 10-38 tấn/ha đất canh tác (80-100 tấn/ha mặt nước nuôi/năm 3 vụ đối với ao đất lót bạt và 150-180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm 3 vụ đối với hình thức nuôi trên hồ tròn).

Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, cần rà soát, quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhằm kiểm soát độ mặn của nước và các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước cho vùng nuôi. Mặt khác, hầu hết người nuôi tôm trong tỉnh gặp khó khăn về vốn, tài sản đã thế chấp ngân hàng, trong khi mức đầu tư cho nuôi tôm công nghệ cao khá lớn (khoảng 1 tỷ đồng/ha)...

Tỉnh Bạc Liêu hiện còn lại hơn 100 ha vùng lõi Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng ven biển thuộc địa phận thành phố Bạc Liêu. Tỉnh đã chấp thuận cho sáu doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm tại vùng ven biển.

Năm 2023, nghề nuôi tôm mang lại kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Bạc Liêu gần 973 triệu USD; nhiều năm qua, giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động. Bạc Liêu hiện là trung tâm sản xuất tôm giống với sản lượng 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác vận động, chuyển giao để các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được lan tỏa trong dân.

Hiện nay, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm đã mở ra hướng sản xuất, tiêu thụ bền vững. Tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 của dự án "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu" với tổng vốn đầu tư 176 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 đi liền với triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước", rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu. Tuy nhiên, dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tỉnh đang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ giải quyết nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.

Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Mặc dù vậy, ngành nuôi tôm, nhất là nuôi theo các mô hình công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngoài việc phải ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng gay gắt, ngành nuôi tôm còn phải đối mặt với tình trạng giá tôm nguyên liệu không ổn định, nhiều thời điểm giảm mạnh, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng cao ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người nuôi...

Thực tế, rất cần Trung ương quan tâm hơn nữa, sớm có các giải pháp tổng hợp, mạnh mẽ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp ngành tôm phát triển bền vững, không chỉ riêng tại Bạc Liêu...