Tăng cường liên kết để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ

NDO - Chiều 15/3, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I/2024. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Cầu Nhơn Trạch nối Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh thuộc dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh chụp chiều 15/3/2024.
Toàn cảnh Cầu Nhơn Trạch nối Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh thuộc dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh chụp chiều 15/3/2024.

Tạo động lực phát triển mới

Vùng Đông Nam Bộ, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước.

Mặc dù, chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số nhưng vùng Đông Nam Bộ góp phần rất lớn cho sự phát triển đất nước, đóng góp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước.

Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Tăng cường liên kết để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hơn một năm sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 đã nâng tầm liên kết vùng trở thành một điểm nhấn quan trọng, là chìa khóa, là động lực mới để vùng Đông Nam Bộ, với tất cả tiềm năng to lớn và sự năng động phát triển của mình cất cánh vươn lên.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ, với Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Giữa các địa phương trong vùng có sự gắn kết chặt chẽ về không gian địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa.

Mối quan hệ giữa các tỉnh, thành phố ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế-xã hội. Vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng trở nên quan trọng.

Tăng cường liên kết để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, Đồng Nai luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng.

Đồng Nai tin tưởng khi các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Bến Lức-Long Thành, Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Cát Lái, cùng với sân bay Long Thành, sân bay Biên Hòa khai thác lưỡng dụng đi vào hoạt động những năm tới sẽ tạo động lực phát triển mới cho Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ.

Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ năm 2023, kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, trên lĩnh vực giao thông, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã triển khai các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm yêu cầu đồng bộ về kỹ thuật, tiến độ; phối hợp trong triển khai đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc trong vùng.

Đối với lĩnh vực y tế, tháng 11/2023, lãnh đạo các sở y tế vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác và phát triển, thống nhất những chủ đề ưu tiên cần tăng cường kết nối, phối hợp, chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm.

Tăng cường liên kết để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ ảnh 4

Lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ chủ trì hội nghị.

Trong năm qua, trên lĩnh vực thương mại, đã diễn ra chương trình kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023; Hội chợ-triển lãm nuôi trồng, công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm VietGAP, sản phẩm làng nghề, OCOP.

Bên cạnh các nội dung hợp tác cấp vùng, việc hợp tác song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh còn lại được thực hiện với 43 nội dung.

Đến hết năm 2023 đã hoàn thành 20 nội dung phối hợp cấp vùng, còn lại 19 nội dung hoàn thành một phần và 4 nội dung đang thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã nêu ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cũng như đề ra các nội dung ưu tiên tập trung triển khai trong thời gian tới.

Đối với đầu tư cầu qua sông Đồng Nai kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã cơ bản thống nhất các phương án cầu kết nối giữa 2 địa phương đối với cầu thay phà Cát Lái và cầu kết nối khu nam Thành phố Hồ Chí Minh (đường Hoàng Quốc Việt) với huyện Nhơn Trạch.

Tăng cường liên kết để tạo động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ ảnh 5

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị khởi công xây dựng cầu Cát Lái năm 2025.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông cao tốc, đường sắt.

Riêng xây cầu Cát Lái đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2024 và khởi công xây dựng trong năm 2025, chứ không chờ đến năm 2026 mới thực hiện, nhằm giảm áp lực giao thông, phục vụ khai thác sân bay Long Thành.

Tổng kết hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đề nghị các địa phương trong thời gian tới tiếp tục phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án đường cao tốc.

Thông qua kế hoạch, phương án đầu tư để kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Bình Dương và Đồng Nai và các dự án đường sắt khác như Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm-sân bay Long Thành.

Cùng với đó, phối hợp triển khai khai thác tuyến giao thông đường thủy để phát triển du lịch sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Phối hợp giải quyết nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông; hợp tác quan trắc môi trường...