Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn

NDO - Nhắc lại vụ tụ tập đông người tại Huổi Khon năm 2011 cùng sự xuất hiện của tà đạo Bà cô Dợ để thấy vai trò quan trọng của việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân ở cấp cơ sở; đồng thời sự cần thiết đẩy mạnh đấu tranh chống những đối tượng xấu lợi dụng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo để kích động, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Những năm qua, với chủ trương đưa Công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng Công an chính quy trên cả nước đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời xử lý nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc ngày 3/6/2022, theo số liệu báo cáo Công an các địa phương đã quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Đến nay, Công an 63/63 địa phương đã điều động hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.

Trong những ngày cuối năm Quý Mão, nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đã có chuyến đi thực tế tại các huyện vùng biên tỉnh Điện Biên để ghi nhận hiệu quả từ quyết sách đúng đắn này.

Vụ tụ tập đông người tại Huổi Khon năm 2011 đã để lại nhiều bài học giá trị. Ngay sau sự việc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tập trung xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được xem là giải pháp có vai trò quan trọng.

NHẬN DIỆN NGUY CƠ TỪ TÀ ĐẠO

Thực tế, sau vụ việc tại Huổi Khon, mặc dù lực lượng chức năng đã đấu tranh, bóc gỡ, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu, cốt cán, tích cực gặp gỡ, giáo dục, vận động, củng cố địa bàn, tuy nhiên những hoạt động tuyên truyền lập “nhà nước Mông” vẫn diễn biến phức tạp. Khoảng đầu năm 2020, một số đối tượng do chưa từ bỏ tư tưởng chống đối, vẫn ảo tưởng sẽ được bên ngoài giúp đỡ thành lập nhà nước riêng của người Mông nên đã móc nối, câu kết với tổ chức ở nước ngoài và một số đối tượng ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu tập trung về Mường Nhé để bàn bạc, thống nhất, nhen nhóm tổ chức hoạt động lập “nhà nước Mông”.

Đáng chú ý hơn, nhiều đối tượng thậm chí cố gắng lôi kéo đồng bào thông qua các hệ phái tôn giáo trái pháp luật (tà đạo) với hình thức biến tướng, bản chất là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc các nội dung trong kinh thánh để chống phá đất nước.

Theo Công an tỉnh Điện Biên, thời gian qua, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, các tổ chức mang tính chất tà giáo, dị giáo như “Ân điển cứu rỗi”, “Tia chớp phương Đông”, “Đức chúa trời mẹ”, “Giê sùa”, “Bà cô Dợ”… đã xâm nhập vào địa bàn và gây ra nhiều tác động, hệ lụy đến tình hình an ninh trật tự. Trong đó nổi bật lên là tà đạo “Bà cô Dợ” với việc tuyên truyền, xuyên tạc Kinh thánh để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động bất hợp pháp.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 1

Ông Vừ A Tư, Trưởng nhóm đạo Tin lành bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (Mường Chà, Điện Biên) chưa thể quên những ngày tháng sóng gió với gia đình mình khi tà đạo "Bà cô Dợ" ập đến.

Ông Vừ A Tư, Trưởng nhóm đạo Tin lành tại bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà (Điện Biên) vẫn nhớ khoảng thời gian nặng nề khi “tà đạo” bất ngờ… tấn công. Khi ấy, gia đình thông gia vốn cũng là những đạo hữu Tin lành bỗng bỏ chính thống để theo "Bà cô Dợ". Con trai ông, Vừ A Vó cũng bị kéo theo. Vó bảo với cha, chỉ cần hoạt động tích cực trong giáo phái thì một ngày sẽ lập được Vương quốc Mông, có cuộc sống an nhàn mà không phải lao động.

Báo cáo của Công an huyện Mường Chà cho biết, tính từ năm 2018, tà đạo này đã xâm nhập vào địa bàn huyện rồi với 3 hộ dân với 18 nhân khẩu tại các bản Co Đứa, xã Na Sang. Cuối năm này, công an huyện đã vận động được 1 hộ, 6 nhân khẩu tự nguyện từ bỏ tà đạo. Tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn huyện có 3 hộ, 16 nhân khẩu tin theo tà đạo này.

Theo đánh giá, hoạt động của tà đạo “Bà cô Dợ” không chỉ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Các đối tượng theo tà đạo không chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chúng thậm chí kích động bà con không đi tiêm vaccine phòng, chống Covid-19; liên tục tìm cách đối phó với cơ quan chức năng đến tuyên truyền, vận động.

Báo cáo của Công an huyện Mường Chà cho biết, tính từ năm 2018, tà đạo này đã xâm nhập vào địa bàn huyện rồi với 3 hộ dân với 18 nhân khẩu tại các bản Co Đứa, xã Na Sang.

Đại úy Giàng A De, Phó Đội trưởng An ninh tôn giáo PA02, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Bà cô Dợ tên thật là Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, hiện đang sống ở Mỹ. Bà này tự nhận rằng mình đã lên thiên đàng, được gặp 12 Thiên sứ và được Thiên sứ giao nhiệm vụ đưa tin cho khắp thế gian. Bà Dợ tuyên truyền con trai bà ấy là Chúa và sẽ cai trị thế gian trong 1.000 năm. Những giấc mơ và câu chuyện của bà Dợ là bịa đặt, ảo tưởng, không đúng với bản chất của Kinh thánh”.

Cũng theo Đại úy Giàng A De, nhóm tà đạo này sinh hoạt trên mạng. Họ có những phòng zoom (phòng họp online trên mạng) để họp, trao đổi với nhau hoặc những nhóm kín trên Messenger (ứng dụng chat của Facebook). Những hoạt động này, lực lượng chức năng đều nắm được.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 2

Từng tin và đi theo tà đạo "Bà cô Dợ", anh Vừ A Vó rất hối hận vì đã làm tổn thương tình cảm gia đình, cha con với bố Vừ A Vư, gây mất an ninh trật tự bản làng. Nay vợ chồng Vó đã từ bỏ hẳn tà đạo để chuyên tâm đi làm công nhân xây dựng kinh tế gia đình. Tết này gia đình 5 thành viên nhà Vừ A Vó sẽ đón Tết trong căn nhà mới do Ủy ban Mặt trận huyện Mường Chà hỗ trợ xây dựng.

Ngoài các thủ đoạn trên, nhóm tà đạo này còn lợi dụng tâm lý của người dân tộc và hoàn cảnh khó khăn của họ nhằm tài trợ tiền, lợi ích vật chất để lôi kéo người dân đi theo. Do đó đã thu hút được nhiều người, đặc biệt là người dân tộc Mông.

Trong quá trình hoạt động, tà đạo này có các hành vi phỉ báng các tôn giáo khác và coi các tôn giáo khác là tà giáo. Không chỉ vậy, trong các nhóm kín trên mạng xã hội, những người truyền đạo "Bà cô Dợ" còn đưa ra những thông tin phản khoa học. Cụ thể, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi, nguy hại đến tính mạng con người, nhưng Bà cô Dợ lại dọa bà con là tiêm vaccine sẽ gây hại sức khỏe, làm giảm trí nhớ...

ĐẨY LÙI BÓNG MA "BÀ CÔ DỢ"

Từ năm 2017, Công an tỉnh Điện Biên đã nắm được các hoạt động của tà đạo “Bà cô Dợ”, nhờ đó kịp thời có các biện pháp rà soát, tuyên truyền, vận động người dân để triệt xóa. Lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức hơn 300 buổi họp dân với hơn 26.000 người tham gia để tuyên truyền về bản chất mê tín, phản động của các tà đạo và vận động quần chúng nhân dân không tin theo.

Đồng thời, tổ chức đối thoại với 100% các hộ theo tà đạo để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tiếp xúc, răn đe, vận động cá biệt 247 lượt đối tượng cầm đầu; xử lý 2 đối tượng về hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật…

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 3

Vận động, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho bà con tại bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên).

Về thu giữ vật chứng, lực lượng chức năng đã thu giữ 17 quyển tài liệu tuyên truyền “Bà cô Dợ” do các đối tượng tự soạn thảo, in ấn, tạm giữ 11 điện thoại, 1 máy tính xách tay là các phương tiện đối tượng dùng để sinh hoạt tà đạo trực tuyến; vận động cá biệt 864 trường hợp là chủ hộ theo tà đạo. Kết quả, đã tuyên truyền vận động để xóa bỏ hoàn toàn tà đạo “Bà cô Dợ” trên địa bàn.

Qua tuyên truyền nhiều năm, bằng các biện pháp như trực tiếp xuống bản để tuyên truyền, vận động, dần dần lực lượng chức năng cũng giúp các hộ hiểu rằng, đâu là Kinh thánh chính thống, đâu là xuyên tạc, phản động. Sau khi nhận thức được, họ đã cam kết từ bỏ. Hiện nay, phần lớn các hộ đã trở về sinh hoạt theo các tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận.

Trung tá Giàng A Minh, Phó Trưởng Phòng PA02 Công an tỉnh Điện Biên, cho hay phần lớn người bị lôi kéo đi theo tà đạo là người dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết hạn chế, chưa phân biệt đâu là kinh thánh chính thống, đâu là kinh thánh bị bóp méo. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động ban đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Sau nhiều năm trực tiếp xuống bản, "mưa dầm thấm lâu", lực lượng chức năng đã giúp bà con hiểu đâu là kinh thánh chính thống, đâu là kinh xuyên tạc, phản động mà tránh xa để yên tâm sản xuất, làm ăn, phát triển kinh tế. Đến nay, phần lớn các hộ đã nhận thức được, cam kết từ bỏ dị giáo, tà đạo, tránh xa "Bà cô Dợ" và đã về sinh hoạt theo các tôn giáo chính thống được nhà nước công nhận.

Tại huyện Mường Chà, Đại úy Lý A Vàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mường Chà cũng hiểu rõ ý nghĩa của việc gần dân, nắm chắc thông tin từ cấp cơ sở. Nhận nhiệm vụ đấu tranh với tà đạo "Bà cô Dợ", Đại úy Vàng đã kiên trì từ huyện xuống bản, qua lại nhà người con của ông Vư. Anh sử dụng tiếng Mông để chuyện trò. Khi đến thì mang tấm bánh, gói quà, hạt giống hoa màu hoặc công cụ canh tác.

Cùng với Đại úy Vàng, các cán bộ an ninh huyện cũng tác động tới các già làng, trưởng bản, chỉ ra những điều bất hợp lý, phản khoa học của đạo lạ, kiên trì thuyết phục những người được coi là thủ lĩnh đạo "Bà cô Dợ" trên địa bàn.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 4

Ròng rã hơn 3 năm trời bám nắm địa bàn, kết hợp nhiều biện pháp tuyên truyền, răn đe, thuyết phục, Đại úy Lý A Vàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mường Chà cùng đồng đội và chính quyền địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xóa bỏ hoàn toàn tà đạo "Bà cô Dợ" trên địa bàn huyện Mường Chà.

Ròng rã hơn 3 năm, được sự ủng hộ của cộng đồng, bao gồm cả các chức sắc tôn giáo chính thống, đến ngày 27/7/2023, toàn bộ số bà con ở hai xã Na Sang và Ma Thì Hồ huyện Mường Chà đang bị lôi kéo vào tà đạo "Bà cô Dợ" đã nhận thức ra những điều vô lý, phản khoa học, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương, phương hại đến các tôn giáo chính thống khác.

Họ nhận ra đây chính là một loại tà đạo, dị giáo, nên đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ, không nghe, không theo nữa. Dưới sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, họ tự tìm các hệ phái tôn giáo chính thống khác đã được Nhà nước công nhận để tin theo.

GẦN DÂN, SÁT DÂN ĐỂ PHỤC VỤ TỐT HƠN

Nhắc lại vụ tụ tập đông người tại Huổi Khon năm 2011 cùng sự xuất hiện của tà đạo "Bà cô Dợ" để thấy vai trò quan trọng của việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân ở cấp cơ sở; đồng thời sự cần thiết cần đẩy mạnh đấu tranh chống những đối tượng xấu lợi dụng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo để kích động, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Hiểu rõ điều này, nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên luôn nhất quán phương châm chỉ đạo xuyên suốt là phải sát dân, gần dân để nắm vững địa bàn; trong đó, các chiến sĩ công an nhân dân phải giữ vai trò tiên phong, nòng cốt.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 5

Công an xã Mường Nhé giúp người dân tại bản Mường Nhé 2 làm đường dịp giáp Tết.

Tại huyện Mường Nhé, Thượng tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện cho hay, thống kê của cơ quan chuyên môn, từ năm 2015 trở lại đây, Mường Nhé có bốn tà đạo xâm nhập, với tổng số 528 người ở 11 xã theo.

Chính vì vậy, thời gian qua, các nội dung tuyên truyền phòng chống tà đạo đã được các cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy khéo léo lồng ghép nhằm giúp người dân dễ nắm bắt, đề cao cảnh giác. Lực lượng Công an xã đã kiên trì về từng gia đình, lên cả đồi nương để giúp người dân gieo hạt, thu hái cho nên dần dần đã gặp gỡ, tiếp xúc và thuyết phục được những người theo tà đạo. Công tác đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn đạt hiệu quả, tạo thành trì vững chắc chống lại luận điệu xuyên tạc, chia rẽ.

Từng có hàng chục năm gắn bó với cơ sở, Trung tá Lý A Tung cho rằng, việc gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn chính là chìa khóa quan trọng nhất. Trung tá cho hay, ngay sau vụ tụ tập đông người tại Huổi Khon, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng vũ trang đã tổ chức triển khai các tổ công tác thường trực tại các bản. Tất cả xác định thực hiện 4 cùng: cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt và sản xuất với người dân để nắm tâm tư, tình cảm bà con. Giai đoạn đầu, các anh đối mặt với áp lực rất lớn khi người dân nghi ngại và lảng tránh. Thậm chí, họ chửi mắng bằng những lời lẽ nặng nề nhất.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 6

Trung tá Lý A Tung (Công an huyện Mường Nhé) cho rằng, việc gần dân, sát dân, bám bản chính là chìa khóa để bảo đảm an ninh trật tự tại cấp cơ sở.

“Chúng tôi cứ lẳng lặng mà làm. Anh em lên nương, kè đường, xây bể nước, cùng sống với bà con, mở các lớp dạy học, sinh hoạt như con em trong nhà. Ăn, ở lâu đến nỗi bà con còn tưởng mình là người địa phương. Dần dần, bà con mở lòng và tin mình, tin và đi theo Đảng”, Trung tá Lý A Tung cười nhớ lại.

Trung tá Lò Văn Linh, Trưởng Công an xã Mường Nhé cũng chưa thể quên được những ngày vượt rừng, lên nương vận động bà con bỏ tà đạo. Đường chưa có, cầu chưa xây, tổ công tác phải mất 1-2 ngày đường đi bộ mới có thể tiếp cận được các bản xa.

Gặp khi trời mưa, quần áo ướt nhẹp, lửa không thể nhóm, anh em chia nhau từng gói cơm nắm, mỳ sống hay lương khô cho qua ngày. Nước thì không thể mang theo do quá nặng nên cứ tới suối là các chiến sĩ thi nhau… múc uống. Chuyện cùng ăn, cùng đi làm nương với những người đi theo tà đạo tới hằng tháng trời không hề hiếm gặp. Trung tá Linh bảo, riêng để thuyết phục được một tại Nậm Pồ “quay về nẻo sáng” năm 2009, anh cùng đồng đội đã mất tới tận 1 năm ròng.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 7

Trung tá Lò Văn Linh, Trưởng Công an xã Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Tinh thần gần dân để phục vụ tốt hơn cũng được các cán bộ, chiến sĩ công an cấp xã áp dụng ngay trong công việc hằng ngày. Điều này thể hiện rõ khi triển khai cấp Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử (Đề án 06).

Khác với những tỉnh, thành phố lớn, các bản, làng, xã của tỉnh Điện Biên nằm rải rác, cách xa nhau bởi yếu tố địa hình, địa lý bất lợi. Đó còn là chưa kể tới trình độ nhận thức và đời sống của người dân nhiều nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Dẫu vậy, Công an các xã đã rất chủ động và sáng tạo trong tuyên truyền, triển khai Đề án 06. Ở những nơi nào có thể sử dụng được mạng internet, Công an xã phối hợp với chính quyền, đoàn thể chức năng của địa phương thành lập các nhóm zalo cộng đồng, đăng tải, tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đối với những nơi không có sóng điện thoại, chưa có điện lưới quốc gia như bản Nậm Đích của xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, Công an xã mang máy nổ phát điện xuống tận nơi, vào từng hộ dân, lên nương gặp từng người rồi lại tìm địa điểm nào có sóng điện thoại, để thực hiện những phần việc cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử để phục vụ nhân dân.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 8

Trung tá Lò Văn Linh, Trưởng Công an xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé gặp cảnh sạt đường sau khi từ trong bản Nậm San 1 trở về. Ảnh nhân vật cung cấp

Trung tá Lò Văn Linh kể cho chúng tôi nghe lần đi vận động bà con làm căn cước công dân tại bản Nậm San 1, xã Mường Nhé. Khoảng 9 giờ tối, khi đang “cuốc bộ” quay về, tổ công tác bất ngờ gặp mưa lớn khiến một mảng đồi ven đường bị trôi sạt.

“Anh em chỉ nghe thấy một tiếng ùm lớn, quay lại thì thấy đất đá đã ùn ùn đổ xuống. Tôi chỉ kịp né sang một bên, một chiếc giày và điện thoại bị vùi lấp ngay khi ấy”, Trưởng Công an xã Mường Nhé kể.

Trung tá Lý A Tung thì gặp cảnh “dở khóc dở cười” khác. Tháng 3/2018, khi đang làm Trưởng Công an xã Nậm Kè, A Tung vào Huổi Lếch vận động bà con triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, khi tổ chức họp dân, tổ công tác vấp phải sự phản đối dữ dội của bà con. Thậm chí, một “già làng” đưa ra yêu sách công an phải thả 3 đối tượng tại Huổi Lếch đã bị bắt giữ trước đó vì hành vi phá rừng thì... mới hợp tác.

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 9

Trung tá Lý A Tung (Công an huyện Mường Nhé) kể lại những ngày ăn rừng, ngủ suối để có thể bám dân, bám bản của mình và đồng đội.

Để làm công tác "dân vận", Trung tá Tung quyết định ở lại bản thêm 1 ngày rồi bỏ tiền túi mua một con lợn lớn, ngả thịt, mời “già làng” nọ tới… tâm sự. Sau đêm đối thoại, phân tích đúng sai, hôm sau, công tác thu thập dữ liệu mới có thể triển khai thuận lợi.

Cũng nhờ gần dân, sát dân, nên sau 4 năm triển khai đề án đưa Công an chính quy về cấp xã, lực lượng công an chính quy trên cả nước đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò là chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự; đồng thời xử lý nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm và khẳng định được hiệu quả mô hình Công an xã chính quy, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân. Họ thực sự đã trở thành những người thân, thành con em của đồng bào.

Ngày mai, những "lá chắn xanh" mang màu áo Công an nhân dân sẽ lại vào bản. Dọc đường, hoa xuân Tây Bắc đã nở đầy...

Khi công an chính quy về xã, bản: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn ảnh 10
back to top