Phát thải khí nhà kính tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 triệu tấn CO2 một năm

NDO - Trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Chiều 24/1, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị thu hút hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia... tham dự.

Đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường-Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.

Phát thải khí nhà kính tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 triệu tấn CO2 một năm ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng thời, thành phố cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Thành phố đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Hướng đến phát triển xanh, bền vững

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho rằng, mục tiêu giảm 10% phát thải CO2 của Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện được với chiến lược phù hợp.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp một số thách thức trong phát triển xanh, như tình trạng ngập lụt đang gây thiệt hại kinh tế, và tác động lớn đến phát triển xanh.

Phát thải khí nhà kính tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 60 triệu tấn CO2 một năm ảnh 2

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Do đó, thành phố cần tạo động lực cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên, ở nhiều nước, việc sử dụng công cụ thuế để các doanh nghiệp phát triển xanh đã được sử dụng, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện, vì giới hạn ngân sách, nhất là với các nước đang phát triển.

Ngân hàng thế giới mong đồng hành với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải carbon.

Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, thành phố là đô thị lớn với mật độ dân cư cao, nhiều phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến lượng phát thải thuộc nhóm cao nhất cả nước với mỗi ngày trung bình khoảng 10 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Đây là một phương pháp xử lý rác thải truyền thống, không hiệu quả, tốn kém và gây ra nhiều hậu quả xấu cho môi trường.

Chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém và nguy hại cho sức khỏe, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình trong năm 2022 cao hơn 2 lần mức an toàn theo tiêu chuẩn của WHO.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là sự phụ thuộc quá lớn vào các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel, sản xuất công nghiệp...

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều nội dung liên quan tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, quản lý khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh

Để giải quyết được các vấn đề nêu trên, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thì cần khơi thông các điểm nghẽn trong thể chế nhằm phát triển hạ tầng giao thông xanh và bền vững, phát triển đô thị xanh gắn với tái bố trí lại dân cư và chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất và đời sống, gắn với các công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Hội nghị đã diễn ra 3 phiên thảo luận về các chủ để chuyên sâu như: Khuôn khổ phát triển và tài chính nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh; định hướng chiến lược cho khung kinh tế xanh Thành phố Hồ Chí Minh; đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh thành phố và các báo cáo tham luận mang tính gợi mở vấn đề.

Thông qua hội nghị này, thành phố kỳ vọng cùng với cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng lòng hành động khẩn trương hơn nữa, tăng cường phát huy sức mạnh hợp tác công tư để giúp thành phố phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển xanh, bền vững.