Tìm hướng đi cho tăng trưởng xanh

Lọc ngành hay giảm phát thải? Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra trong xu thế chung về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn... Đặc biệt là khi có nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, thời gian qua gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp đang hướng tới mô hình phát triển kinh tế xanh. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều doanh nghiệp đang hướng tới mô hình phát triển kinh tế xanh. Ảnh: HẢI NAM

Trong bức tranh tổng thể toàn cầu hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; nhất là khi Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 - 12/12, với hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên cùng các bên liên quan khác. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của toàn cầu, trong đó có Việt Nam trong việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải mang tính khả thi.

Vấn đề phát sinh từ thực tiễn

Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh một số vấn đề trong quá trình áp dụng tăng trưởng xanh ở nhiều địa phương, khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền ở nước ta. Câu hỏi đặt ra giữa mục tiêu tăng trưởng nhanh hay “phát triển xanh” khiến nhiều nơi còn đau đầu. Thực tế, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam. Một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào “có vẻ ô nhiễm” là không “mặn mà”. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các ngành chủ lực của nước ta như: dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Tại Hội thảo Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên đặt vấn đề: “Vậy ứng xử với các dự án trong các ngành này thế nào? Liệu có tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nữa hay không? Hoặc nếu chúng ta vẫn phải mặc quần áo hằng ngày, thay quần áo thường xuyên thì việc từ chối dệt may, nhuộm vì ô nhiễm liệu có đúng không? Nếu con em vẫn dùng sách vở, ngành bao bì vẫn phải phục vụ đóng gói thực phẩm, lương thực, vật liệu... thì công nghiệp giấy có đáng bị tẩy chay?”.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử cũng thừa nhận, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, nên ứng xử với nó như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi của nhiều quốc gia. Chưa kể, trong khi chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hằng ngày, vậy xanh hóa bằng cách nào để giảm khí thải nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế?

Có thể thấy, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, do áp lực về chuyển đổi xanh trong khi thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường khiến nhiều địa phương trong thu hút đầu tư lại nghiêng về “lọc ngành” thay vì xem xét các tiêu chí phát thải có đáp ứng yêu cầu hay không.

Để hiểu đúng và thu hút đầu tư xanh phù hợp, bà Dương Thị Xuân Nương, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai chia sẻ, tỉnh Đồng Nai không “lọc ngành” mà quan tâm đến việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, công nghệ sản xuất cao, sử dụng nguyên liệu tái tạo. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, không phải “lọc ngành” mà là “lọc công nghệ”, giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư thì mới phù hợp với xu thế đầu tư.

Trong khi đó, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Viết Phúc cho hay, trên cơ sở những thuận lợi của địa phương, nhiều chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư được triển khai; song vấn đề khó khăn trong việc thu hút dự án xanh là các nhà đầu tư rất quan tâm đến vị trí nhà máy thuận lợi, muốn dự án đầu tư phải gần khu vực cảng, gần vị trí giao thông… Nếu đáp ứng thì không thể giữ vững định hướng phân vùng, phá vỡ quy hoạch trong quá trình thu hút đầu tư.

Tìm hướng đi cho tăng trưởng xanh ảnh 1

Cần đẩy mạnh mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính.

Lựa chọn lộ trình

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050; tại COP28, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận giải quyết vấn đề chống biến đổi khí hậu phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn... là vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các nước trong khu vực, “hành trình giảm phát thải ròng về 0” phải được hiểu như thế nào cho đúng, nếu “lọc ngành” thì ngành nào bị lọc? Các chuyên gia cho rằng, nếu không thống nhất quan điểm, không có một bộ tiêu chí cụ thể, không minh bạch trong thông tin thì rất có thể, sự cẩn trọng cũng như áp lực tăng trưởng xanh lại khiến chúng ta mất đi các dự án lớn vào các ngành quan trọng để phát triển đất nước.

Trước câu hỏi “Lọc ngành hay giảm phát thải?”, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng xanh là từ khóa. Xanh là giấy thông hành để vào thị trường thế giới nên không phải là vấn đề bàn cãi. Xanh không phải là sự lựa chọn mà là vấn đề sống còn. Không xanh là chết. Song, quá trình xanh hóa không thể ngay tắp lự, ngủ một đêm dậy hôm sau là xanh ngay. Quan trọng nhất là sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chuyển đổi sang xu thế phát triển bền vững, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng trưởng xanh với lộ trình phù hợp cần lồng ghép được vào chiến lược phát triển các ngành, địa phương để bảo đảm mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn. Cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ, ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo là gì để các địa phương ghi nhận đầu tư, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư.

Ngoài ra, cần có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo nên điểm đột phá trong tốc độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế; chọn một số địa phương làm thí điểm và có thể chọn địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp xanh. Đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh. Quá trình phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải của Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không thúc đẩy được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Văn Sử nêu quan điểm theo hai hướng: chọn công nghệ; phân nhóm định hướng, phân luồng theo ngành, ngành nào phù hợp địa bàn nào. Theo đó, cần thu hút những ngành chế biến, chế tạo trong nhiều lĩnh vực điện tử, linh kiện, công nghiệp ô-tô, công nghiệp kim loại và đất hiếm, khoáng sản. Bên cạnh đó là dịch vụ năng lượng tái tạo, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin... Ông Đỗ Văn Sử cũng nhấn mạnh, không thể loại trừ hết các ngành có dấu hiệu ô nhiễm mà chọn nâng cao công nghệ để giảm ô nhiễm và nâng hiệu quả khi chế biến, tinh lọc. Cuối cùng, cần có quy trình của doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Siết ngay đầu vào từ Nhà nước, nhà đầu tư, nhà cung cấp hạ tầng khu công nghiệp. Ba “nhà” này cùng làm sẽ có quy trình rất chặt chẽ.