Sớm có cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho tăng trưởng xanh

NDO - Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm “chìa khóa” đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023.
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023.

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh: Phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới.

Tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

“Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm “chìa khóa” then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Đây là lựa chọn dài hạn để bảo đảm cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Tuy nhiên, tăng trưởng xanh cũng đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và bảo đảm tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số, dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực.

Sự thay đổi này đòi hỏi phải chuyển đổi kỹ năng của người lao động. Đây là vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Về phía các doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với nhiều rào cản trong "xanh hoá sản xuất kinh doanh" do khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp.

Đối với các địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế cũng là vấn đề cần lưu ý.

Từ bài học thành công của các quốc gia trên thế giới trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh và thực tế triển khai tại Việt Nam, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Boston Consulting Group Việt Nam đưa ra 5 khuyến nghị nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và toàn diện ở Việt Nam.

Đó là xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh; hỗ trợ dự án thí điểm xanh; thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế đối với tăng trưởng xanh.