Nghệ thuật Đờn ca tài tử tỏa sáng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Dù không ít thăng trầm, nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ vẫn bền bỉ chảy trong đời sống tinh thần của người dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Phong trào Ðờn ca tài tử hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều bạn trẻ bằng sự kết hợp tinh tế giữa tiếng ca ngọt ngào, lời thơ sâu lắng, tiếng đờn mượt mà, để âm nhạc truyền thống đặc trưng của vùng đất phương nam tiếp tục được phát triển và tỏa sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn Ðờn ca tài tử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh QUỐC THANH)
Biểu diễn Ðờn ca tài tử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh QUỐC THANH)

Sau 10 năm kể từ ngày UNESCO ghi danh nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013-2023), Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Nhiều không gian dành cho Đờn ca tài tử

Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút chuẩn bị các hoạt động mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó, chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” được tổ chức tại Bến Bình Ðông, Quận 8 là một trong những hoạt động nổi bật của thành phố trong những ngày Tết đến, Xuân về. Một trong những hoạt động được người dân và du khách yêu thích khi tham gia chợ hoa xuân nơi đây chính là chương trình biểu diễn Ðờn ca tài tử trên ghe bầu. Không gian biểu diễn “vừa quen, vừa lạ” đã mang lại cảm xúc tươi mới cho người xem lẫn các tài tử biểu diễn.

Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết chia sẻ: Biểu diễn trên ghe khiến chị như thấy lại cảnh trên bến, dưới thuyền, người mua, kẻ bán tấp nập của thành phố trước đây, một nét văn hóa đặc trưng miền sông nước. “Biểu diễn đờn ca tài tử ở không gian sông nước như thế luôn mang đến cho các nghệ nhân, nghệ sĩ cảm giác gần gũi nhưng cũng thật mới mẻ so với những nơi khác” - Nghệ nhân Nhân dân Thanh Tuyết bày tỏ.

Không chỉ riêng tại Bến Bình Ðông, không gian dành cho đờn ca tài tử còn ở nhiều địa điểm công cộng ngay tại trung tâm thành phố. Ðó là, khu vực trước Công viên Tượng đài Bác Hồ ở đường Nguyễn Huệ, khu vực trước Nhà hát thành phố, Cột cờ Thủ Ngữ và cả khu vực Trung tâm Văn hóa thành phố. Du khách khi đến thành phố vào mỗi dịp lễ hội hay trong các ngày Tết cổ truyền đều có thể dễ dàng thưởng thức những giai điệu mượt mà, với lời ca vừa mang tính bác học vừa có chất dân gian được vang lên qua các giọng ca mộc mạc, sâu lắng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, 10 năm qua, thành phố tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi cho những người đam mê môn nghệ thuật này phát huy tài năng. Bên cạnh đó, hoạt động truyền dạy tại các trường học và trong cộng đồng để tạo đội ngũ kế thừa được tổ chức thường xuyên; tạo môi trường cho nghệ nhân, những người yêu mến Ðờn ca tài tử có điều kiện thực hành và thực hiện tuyên truyền, quảng bá để nhân dân thành phố nhận thức rõ hơn giá trị của di sản và vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản Ðờn ca tài tử.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Võ Trọng Nam cho biết: Sở đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu và nhiều đoàn Ðờn ca tài tử của thành phố đã tham gia giao lưu, biểu diễn tại các nước trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, người có nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật Ðờn ca tài tử, đến nay, thành phố hiện có khoảng 229 câu lạc bộ, 84 đội nhóm Ðờn ca tài tử đang hoạt động với tổng số thành viên là 1.226 người (gồm 454 nghệ nhân, tài tử đờn và 772 nghệ nhân, tài tử ca), trong đó có sáu Nghệ nhân Nhân dân, 13 Nghệ nhân Ưu tú hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Ðờn ca tài tử được Chủ tịch nước phong tặng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức cho rằng: Với sự góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh,... phong trào Ðờn ca tài tử trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã từng bước phát triển. Ðây là nền tảng vững chắc cho sự thụ hưởng, sáng tạo nghệ thuật của người dân thành phố trong giai đoạn hiện nay; là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Một tín hiệu đáng mừng đó là, qua 10 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Ðờn ca tài tử, nhiều tài tử đờn, tài tử ca trẻ tuổi đầy triển vọng đã xuất hiện, sẵn sàng trở thành lực lượng kế thừa trong thời gian tới. Thạc sĩ văn hóa Phạm Thái Bình, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhằm “trẻ hóa” lực lượng biểu diễn nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm 2021, Ban Ðờn ca tài tử “Cội Xưa” được thành lập, do chính anh tư vấn, dẫn dắt.

Ða phần các thành viên đều là sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), Khoa Kịch hát dân tộc (Trường đại học Sân khấu và Ðiện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi ra đời, Ban Ðờn ca tài tử “Cội Xưa” nhanh chóng gây được ấn tượng tốt đẹp đối với giới báo chí và cộng đồng xã hội. Hiện tại, Ban Ðờn ca tài tử “Cội Xưa” có khoảng 20 thành viên (cả đờn và ca). “Mỗi bạn đờn có thể chơi thành thạo từ hai đến bốn nhạc cụ. Thậm chí, có vài thành viên vừa đờn giỏi vừa biết ca tài tử rất hay. Ban Ðờn ca tài tử “Cội Xưa” không sinh hoạt định kỳ. Khi có lời mời biểu diễn, tất cả tập trung tập luyện theo tính chất của từng chương trình do Ban tổ chức và đạo diễn yêu cầu” - Thạc sĩ Phạm Thái Bình chia sẻ.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử tỏa sáng tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1

Giới thiệu nghệ thuật Ðờn ca tài tử và nghệ thuật trình diễn Nam Bộ tại Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MẠNH HẢO)

Gìn giữ cho mai sau

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều quan tâm và đầu tư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ, nhất là trong việc thực hành truyền dạy, sáng tác bài ca mới, tổ chức trình diễn và quảng bá môn nghệ thuật này đến với công chúng. Tuy nhiên, việc thực hành Ðờn ca tài tử hiện nay còn một số hạn chế. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, sở dĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc tồn tại đến ngày nay là do công lao truyền dạy, sáng tạo và phổ biến của các thế hệ nghệ nhân.

Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ nhờ truyền dạy mà cách diễn tấu sáng tạo trên nhạc khí, cách hòa ca độc đáo, điêu luyện, phong cách trình diễn hấp dẫn, đặc sắc… được trao truyền lại cho đời sau. Dù vậy, thực tế hiện nay, Ðờn ca tài tử đang đối mặt với những thách thức về sự tồn tại và phát triển bền vững, nhất là trong đội ngũ trao truyền và tiếp nhận. “Ðiển hình như, trong giới nhạc tài tử, người ta thường lấy sự am tường, điêu luyện khi thực hành 20 bản Tổ làm tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn của mỗi nghệ nhân.

Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi phát hiện không ít nghệ nhân đang truyền dạy ở các địa phương chưa thông thạo 20 bản Tổ” - Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên trăn trở. Bà cho biết thêm: Các bản vắn, bản nhỏ của Ðờn ca tài tử đang bị lãng quên, công tác gìn giữ và khai thác giá trị âm nhạc của địa phương chưa được làm tốt, nhất là sự hạn chế về kiến thức, kỹ năng của nghệ nhân thực hành truyền dạy. “Hiện nay, hầu hết nghệ nhân dạy theo lối truyền khẩu, truyền ngón. Nghệ nhân dựa trên kiến thức được tiếp thu từ thầy của mình, tự tìm hiểu để bổ sung thêm và kinh nghiệm thực hành di sản để chỉ bảo, hướng dẫn học trò làm theo.

Nhờ cách truyền dạy này, các giá trị quý báu của di sản văn hóa được lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, nhu cầu của người nghe hiện nay đã khác rất nhiều so với hai thập niên trước đây; càng khác xa hơn so với giai đoạn lan tỏa Ðờn ca tài tử khắp Nam Bộ bằng các hình thức truyền dạy vào nửa đầu thế kỷ XX” - Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho biết.

Tiến sĩ, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn, Trung tâm thực hành và truyền dạy Ðờn ca tài tử cho biết, thực trạng đáng lo ngại là hiện nay người đờn và người ca có tỷ lệ không cân đối, có dấu hiệu người đờn càng bị mai một, mà chưa có kế hoạch bảo tồn, phát triển một cách khoa học và thực chất. Do vậy, ngành chức năng cần thống kê cụ thể nguồn nhân lực của Ðờn ca tài tử, để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, phát huy tài năng nghệ thuật và có chính sách hỗ trợ giúp đỡ những nghệ nhân Ðờn ca tài tử.

Thực trạng đáng lo ngại là hiện nay người đờn và người ca có tỷ lệ không cân đối, có dấu hiệu người đờn càng bị mai một, mà chưa có kế hoạch bảo tồn, phát triển một cách khoa học và thực chất. Do vậy, ngành chức năng cần thống kê cụ thể nguồn nhân lực của Ðờn ca tài tử, để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, phát huy tài năng nghệ thuật và có chính sách hỗ trợ giúp đỡ những nghệ nhân Ðờn ca tài tử.

Tiến sĩ, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn, Trung tâm thực hành và truyền dạy Ðờn ca tài tử

Ðây cũng là mục tiêu của công tác bảo tồn Ðờn ca tài tử; trong đó, bảo tồn con người Ðờn ca tài tử là quan trọng nhất. Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn cho biết thêm: Hiện nay, vẫn còn thiếu nhiều nhà văn hóa ở cấp cơ sở, hoặc có những nơi có trụ sở nhà văn hóa nhưng không có không gian để tổ chức thực hành và truyền dạy đờn ca tài tử; nhân sự quản lý thiếu; nhiều địa phương chạy theo thành tích nên hoạt động không thực chất… “Do vậy, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa một cách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, muốn các Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử hoạt động vững mạnh, ngoài yếu tố rèn luyện không ngừng để đờn hay hát giỏi, người có trách nhiệm trong câu lạc bộ còn phải nắm vững một số kỹ năng về tổ chức hoạt động, xây dựng kế hoạch, vận động tài trợ” - Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn cho hay.

Thạc sĩ, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, Trường đại học Sân khấu và Ðiện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Cần có một kế hoạch tổng hợp cho việc phát triển bền vững hoạt động Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử vì không thể bảo tồn như kiểu lưu giữ hiện vật trong viện bảo tàng, mà phải bảo tồn trên cơ sở phát huy, phát triển. Trước hết, chúng ta cần nâng cao nhận thức cho công chúng trong thưởng thức, sau đó là đào tạo đội ngũ soạn giả và thầy đờn, phải đào tạo hai đội ngũ này dài hơi. Ðây là yếu tố quyết định cho hoạt động Ðờn ca tài tử lớn mạnh.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Ðờn ca tài tử, ngoài việc cần có chính sách phù hợp cho các nghệ nhân để họ an tâm truyền nghề, thành phố cần thực hiện tốt việc đưa Ðờn ca tài tử và Cải lương vào du lịch. Ðây là cách thức làm cho di sản sinh lợi thật sự, có nguồn thu phục vụ lại cho công tác bảo tồn. Song song đó, việc đổi mới tổ chức các liên hoan, cuộc thi Ðờn ca tài tử cũng là điều cần thiết để các cuộc tranh tài mang nhiều màu sắc không khí lễ hội, giúp mọi người gặp nhau giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), quan niệm bảo tồn di sản, đó là câu chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa - điều cần được khẳng định trong thời đại toàn cầu hóa. Công tác bảo tồn cần gắn với phát huy giá trị của di sản để làm sao di sản văn hóa có thể sinh lợi về vật chất lẫn tinh thần. Việc bảo tồn, phát huy Ðờn ca tài tử cần thiết phải được tiến hành bài bản, có sự can thiệp, định hướng, hỗ trợ từ phía Nhà nước, không để người dân “tự bơi”. Có thế, chúng ta mới gìn giữ, phát triển di sản văn hóa này đến mai sau.