Đà Nẵng nỗ lực phát triển giao thông công cộng

NDO - Trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang là vấn đề nóng của phát triển đô thị, thành phố Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực triển khai có hiệu quả hệ thống xe buýt công cộng, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách, góp phần giảm ùn tắc, phát triển bền vững mạng lưới giao thông công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
Đi học bằng xe buýt, thói quen mới của nhiều học sinh, sinh viên Đà Nẵng.
Đi học bằng xe buýt, thói quen mới của nhiều học sinh, sinh viên Đà Nẵng.

Tín hiệu tích cực

Thành phố Đà Nẵng hiện có 11 tuyến xe buýt trợ giá với 85 xe đang hoạt động, trong đó tuyến dài nhất là 32,63km và tuyến ngắn nhất là 10,4km. Giờ tan tầm, tại các trường học và khu công nghiệp, một số trạm dừng xe buýt đã có lượng khách chờ ổn định, đa dạng cả về độ tuổi và nghề nghiệp.

Anh Lê Hữu Hoàng (ngụ quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Xe buýt bây giờ đi đúng giờ, đúng tuyến, cũng sạch sẽ nên dần dà mình cũng có thói quen sử dụng để đi đến cơ quan làm việc”. Những “vị khách trung thành” hằng ngày di chuyển bằng xe buýt đã hài lòng hơn về chất lượng dịch vụ của các tuyến xe buýt công cộng.

Theo Giám đốc Trung tâm điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac) Hồ Nguyễn Quốc Cường, trong mười tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách vận chuyển trên các tuyến buýt đạt 939.562 lượt hành khách, trung bình 7,9 hành khách/lượt xe. Trong đó, tuyến buýt số 16 có số lượng hành khách cao nhất trong mười tháng đầu năm 2023, với 397.520 lượt hành khách, trung bình 20,9 hành khách/lượt xe. “Có thể nói 7 năm qua, hệ thống xe buýt trợ giá đã đồng hành cùng với thành phố Đà Nẵng trải qua nhiều thay đổi và thử thách. Người dân Đà Nẵng đã dần được xây dựng thói quen sử dụng phương tiện vận tải công cộng”, ông Cường cho hay.

Để đạt được kết quả trên, trung tâm vận hành đã thường xuyên khảo sát nhu cầu đi lại; tổng hợp góp ý và phản ánh của người dân; đồng thời, đánh giá hiệu quả hoạt động, khắc phục những bất cập đối với từng tuyến trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, hệ thống xe buýt công cộng của thành phố cũng từng có thời điểm dừng khai thác một số tuyến trợ giá, do việc kinh doanh của đơn vị khai thác chưa hiệu quả và tác động của dịch Covid-19, khiến nhiều người dân hoài nghi về sự ổn định và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng của thành phố.

Trải qua những biến cố đó, thời gian qua, hệ thống xe buýt công cộng thành phố Đà Nẵng không ngừng phát triển cả về chất và lượng; tăng hiệu quả đầu tư phát triển xe buýt công cộng phù hợp với chiến lược phát triển giao thông xanh và bền vững của thành phố. Về mặt số lượng, thực hiện phương châm “cung cấp dẫn đầu”, Datramac đã tổ chức đấu thầu đưa 55 xe buýt B26 (loại xe 26 chỗ nhỏ gọn) vào vận hành cho 5 tuyến buýt trợ giá giai đoạn 2; tăng số lượng nhà chờ xe buýt và vịnh dừng; đồng thời, điều chỉnh kéo dài lộ trình tuyến số 07, 16 và 17 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân huyện Hòa Vang tới trung tâm thành phố một cách thuận tiện nhất.

Về mặt chất lượng, lộ trình một số tuyến có hướng tuyến đi chưa phù hợp được điều chỉnh lại, tối ưu hóa lộ trình trên nguyên tắc hạn chế chuyển tuyến và rút ngắn thời gian đi lại; đa dạng và hiện đại hóa hình thức bán vé bằng ứng dụng DanaBus; xây dựng chính sách linh hoạt về giá đối với các khách hàng lớn.

“Đồng thời, để bảo đảm việc vận hành các tuyến buýt trợ giá, Datramac thường xuyên trao đổi với lãnh đạo công ty để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ việc tìm kiếm nhân sự và đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiệm thu, thanh toán cho đơn vị khai thác”, Giám đốc Datramac Hồ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ trách nhiệm.

Thêm nhiều dự án vận tải hành khách công cộng

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã vạch ra nhiều mục tiêu, dự án quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông; trong đó coi trọng đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng, nhằm xây dựng Đà Nẵng thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh và bền vững.

Đà Nẵng nỗ lực phát triển giao thông công cộng ảnh 1
Trạm dừng xe buýt tại các điểm tập trung đông người được đầu tư nâng cấp, kết nối đồng bộ với các điểm xe đạp công cộng TNGo.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 về tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 10-25%, bao gồm: xe buýt đô thị, xe buýt kế cận, các phương thức vận tải công cộng và bán công cộng khác; tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm tăng mật độ bao phủ tuyến, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác; xây dựng tuyến giao thông công cộng kết nối Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Đối với dự án đường sắt đô thị, thành phố chủ trương xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển theo định hướng mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như: xe buýt, xe đạp, taxi...

Trước đó, cùng với 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác, Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 cũng giao Đà Nẵng ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35%.

Để các dự án và mục tiêu kể trên có cơ sở hình thành và hoàn thành, thực tiễn đòi hỏi hệ thống xe buýt công cộng của thành phố cần có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn, gia tăng thị phần vận tải công cộng trong lĩnh vực vận tải hành khách; phải giải cùng lúc nhiều bài toán về phát triển giao thông công cộng nói chung, hệ thống xe buýt trợ giá nói riêng như: thu hút người dân, giữ chân hành khách và quy hoạch mạng lưới tuyến giao thông công cộng.

Giám đốc Datramac Hồ Nguyễn Quốc Cường cho biết, trong năm 2024, phát huy những kết quả đã đạt được, trung tâm tiến hành công tác lựa chọn đơn vị vận tải thực hiện chủ trương mở mới 4 tuyến buýt không trợ giá theo Thông báo số 199/TB-VP ngày 09/5/2023 của UBND thành phố Đà Nẵng; nhanh chóng phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng phương án vận hành, hồ sơ liên quan nhằm bảo đảm công tác vận hành 6 tuyến buýt giai đoạn 2 trong năm 2024.

Cũng trong thời gian tới, Datramac sẽ xây dựng phương án vận hành các tuyến buýt trợ giá theo hướng đa dạng hóa phương thức đầu tư, xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, năng lực nhằm lựa chọn đơn vị có năng lực cao hơn để đảm nhận hoạt động vận tải công cộng ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

“Qua đó, vững chắc bảo đảm tính ổn định và liên tục của hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố theo hướng đa dạng hóa phương thức đầu tư hướng tới một phần xã hội hóa đối với một số tuyến buýt, giảm bớt ngân sách đầu tư của Nhà nước và bảo đảm tính tiếp nối về mặt thời gian”, Giám đốc Datramac Hồ Nguyễn Quốc Cường nhận định.