Tìm giải pháp "xanh hóa" xe buýt

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều đang quá tải, phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là xe buýt được coi là giải pháp khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
Để lộ trình "xanh hóa xe buýt" khả thi không chỉ cần nỗ lực của một vài doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Ảnh: VinGroup
Để lộ trình "xanh hóa xe buýt" khả thi không chỉ cần nỗ lực của một vài doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Ảnh: VinGroup

Cách đây hơn một năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, với lộ trình rõ ràng: Từ năm 2025, 100% số xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Tỷ lệ xe buýt điện đạt ít nhất 5% ở các đô thị loại I. Từ năm 2030, tỷ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%, 100% số xe taxi thay thế và đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Khách quan mà nói, những mục tiêu này thể hiện tầm nhìn cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này còn gặp nhiều thách thức.

Đơn cử tại Hà Nội, theo kế hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ chuyển đổi xe buýt của Hà Nội sẽ đạt 50-60%. Dự kiến đến năm 2035, Hà Nội sẽ có tỷ lệ chuyển đổi đạt 90-100%… Song, thực tế hiện nay, Hà Nội có khoảng 2.034 xe buýt được trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (chiếm khoảng 13,6%), bao gồm 139 xe khí nén thiên nhiên (CNG) và 138 xe buýt điện.

Hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ vận tải công cộng đồng tình, ủng hộ chuyển đổi phương tiện xanh, sạch. Thế nhưng, chính họ cũng đang gặp nhiều rào cản không thể giải quyết được nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Thí dụ, mới đây tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) của Công ty VinBus có nguy cơ ngừng hoạt động vào cuối năm 2023 do… lỗ nặng!

Theo đại diện Công ty VinBus, dù chủ trương, mục tiêu phát triển phương tiện công cộng xanh khá rõ ràng, song do gặp khó khăn về cơ chế, cụ thể tỷ lệ trợ giá cho xe buýt điện hiện nay quá thấp, chỉ bằng 44,1% so tỷ lệ trợ giá xe buýt sử dụng diesel, CNG, cho nên lượng khách tăng nhưng thu vẫn không đủ bù chi, dẫn đến chỉ trong 1,5 năm hoạt động doanh nghiệp đã lỗ 28,6 tỷ đồng.

Hơn thế, để lộ trình "xanh hóa xe buýt" khả thi và không mãi chỉ là "giấc mơ xanh" thì không chỉ cần nỗ lực của một vài doanh nghiệp mà phải có được mạng lưới doanh nghiệp rộng khắp, đi kèm với sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng trạm sạc, quỹ đất cho trạm trung chuyển xe buýt…

Thiết nghĩ, để các nhà đầu tư quyết tâm thay thế dần từ xe chạy diesel sang buýt điện, cơ quan quản lý cần xây dựng được định mức đơn giá minh bạch, tính đúng, tính đủ. Việc "xanh hóa" xe buýt là xu hướng tất yếu. Song muốn phát triển giao thông công cộng đồng bộ, bền vững cần có sự đồng lòng, đồng tốc từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạch định chính sách, đưa ra những giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá và sự tham gia một cách trách nhiệm từ chính các doanh nghiệp.