Chủ tịch Liên chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng thành phố Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuyết Lan cho biết: Bệnh COPD không những gây mất sức lao động mà còn khiến người bệnh rất khổ sở vì tình trạng khó thở ngay trong hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, điều lo lắng của bệnh nhân COPD và các bác sĩ điều trị là những đợt kịch phát, những đợt cấp này sẽ ngày càng thường xuyên, ngày càng nặng. Các bác sĩ sẽ phải kê cho người bệnh sử dụng kháng sinh, thở máy…, chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng cho một đợt kịch phát, lại thêm ít nhất hai người nhà phải nghỉ việc để chăm sóc dẫn tới chi phí gián tiếp rất cao.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, thuốc dành cho bệnh nhân hen, COPD nói chung đang ngày càng được cải tiến. Từ những loại thuốc uống, gây nhiều tác dụng phụ, nay đã có nhiều loại thuốc giãn phế quản dạng hít. Nhờ thuốc được đưa thẳng vào đường hô hấp, lượng thuốc tuy rất nhỏ, nhưng tác dụng trực tiếp, hiệu quả cao, tác dụng phụ thấp cho nên phác đồ điều trị COPD của thế giới cũng như của Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo sử dụng các dạng thuốc này. Tuy nhiên, con đường để bệnh nhân tiếp cận được thuốc còn quá nhiều khó khăn, bất cập. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan cho biết: Sở dĩ có tình trạng như vậy do nhiều nguyên nhân, đầu tiên là theo quy định hiện hành kể từ khi có đơn xin nhập thuốc mới, 24 tháng sau thuốc sẽ được cấp phép, nhưng trên thực tế, phải đến 36 tháng là sớm nhất, còn thông thường vẫn là 48 tháng. Ở các nước trong khu vực như Singapore, Ðài Loan (Trung Quốc)..., mỗi năm Bộ Y tế nước họ xét thuốc mới bốn lần, bác sĩ Lan trăn trở.
Không những vậy, bệnh nhân COPD thường là người nghèo, lao động trong môi trường ô nhiễm và cũng vì vậy mà có đến 40% số bệnh nhân COPD có tiền căn lao trước đó. Trong khi COPD là bệnh mạn tính, kinh niên, đòi hỏi điều trị liên tục, chỉ có khi nào thuốc được vào bảo hiểm thì mới hy vọng bệnh nhân tuân thủ tái khám điều trị đúng phác đồ. "Muốn đưa thuốc vào danh mục được chi trả của Bảo hiểm y tế thì việc đầu tiên là phải có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế, nhưng có phác đồ rồi cũng phải đợi Bảo hiểm y tế duyệt, công đoạn này không có quy định bằng văn bản, luật bất thành văn là ba năm một lần. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay vẫn chưa có đợt duyệt thuốc mới vào danh mục của Bảo hiểm y tế", Chủ tịch Liên chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Rào cản cuối cùng chính là khoản tiền Bảo hiểm y tế giới hạn hằng năm cho nên các bệnh viện phải khống chế trần toa. Do vậy, một hộp thuốc COPD dùng trong một tháng, có giá thành cao, bác sĩ không thể kê đơn được, bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi để mua nếu muốn có thuốc tốt. Sở Y tế thành phố cũng đã nhiều lần đề xuất có thuốc COPD, hen về đến trạm y tế phường, xã theo Quyết định số 115/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng tại thành phố nói riêng, cả nước nói chung vẫn chưa có trạm y tế nào có thuốc COPD trong danh mục bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân COPD nên chích ngừa cúm, viêm phổi, ho gà. Tuy nhiên vắc-xin chích ngừa thì chưa được Bảo hiểm y tế chi trả cho nên hầu hết bệnh nhân không kham nổi khoản tiền này, đành đối diện với những đợt kịch phát. Theo các chuyên gia y tế, hiện danh mục thuốc COPD, hen thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế rất cần được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể, có cơ chế cập nhật định kỳ một năm/lần. Việc này mang lại những lợi ích to lớn trong khám, chữa bệnh cho cả người bệnh lẫn y, bác sĩ điều trị; đồng thời, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.