Dự Hội nghị có Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và 1 số bộ, ngành Trung ương, cùng đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong 3 năm (2021-2023), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phân bổ, giải ngân 23.529 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 21.855 tỷ đồng, chiếm 92,8%; ngân sách địa phương là 1.494 tỷ đồng, chiếm 6,3%; huy động khác là 180 tỷ đồng, bằng 0,77%).
Kết quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững đã thực hiện đầu tư hơn 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.
Chương trình đã hỗ trợ hơn 1.600 dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo, với hơn 14.496 hộ tham gia.
Chương trình hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho gần 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hơn 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Chương trình cũng hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị cho 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững đã hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho hơn 10.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối với thị trường lao động đối với hơn 30.000 lượt người lao động; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 12.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó xây mới là 9.598 căn, sửa chữa là 3.279 căn nhà cho người nghèo.
Tuy nhiên, công tác tham mưu xây dựng, triển khai một số dự án, tiểu dự án của chương trình tại địa phương còn hạn chế. Nhiều địa phương có tình trạng cán bộ một số đơn vị né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không tham mưu, không triển khai dẫn đến việc giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cao, chưa chủ động dẫn tới sự chậm trễ trong ban hành văn bản, đề xuất và phân bổ vốn thực hiện chương trình.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trao đổi, tham luận các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng, trúng, hiệu quả cao.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá cao kết quả đạt được.
Theo Bộ trưởng, sau 3 năm thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững… đã giúp phát triển hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, giúp tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: QUỐC HỒNG) |
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cùng với các chương trình, đề án khác đã góp phần đạt tỷ lệ giảm nghèo đa chiều theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hằng năm.
Trong thời gian tới, Chương trình cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn 2023 và nguồn vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2023 giải ngân tối thiểu đạt 95%.
Đồng chí Đào Ngọc Dung đề nghị tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình theo thẩm quyền được giao; nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong giai đoạn đến năm 2030.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tập trung ưu tiên các giải pháp tác động vào các chiều có tỷ lệ thiếu hụt cao, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội vùng lõi nghèo để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, cấp xã để có đủ năng lực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương.