Trước đây, các phương pháp đo lường mức độ nghèo dựa trên thu nhập hoặc chi tiêu truyền thống không nắm bắt được các khía cạnh phi tiền tệ đóng vai trò quan trọng đối với phúc lợi của người dân, bởi vậy cần phải có thước đo đầy đủ hơn để thấy được người dân còn thiếu hụt những khía cạnh nào. Tháng 11/2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hệ thống chỉ tiêu đo nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi từ cách tiếp cận nghèo dựa vào thu nhập sang nghèo đa chiều.
Tại Lễ công bố Báo cáo nghèo đa chiều 2021 ngày 28/7 tại Hà Nội, các đại biểu đã khẳng định những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã được quốc tế công nhận. Theo Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn 5,2% vào năm 2020.
Báo cáo là kết quả nghiên cứu chung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Ủy ban Dân tộc (UBDT), Tổng cục Thống kê và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Đại dịch Covid-19 cũng khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu dự Lễ công bố Báo cáo. |
Theo bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP, dữ liệu thống kê ở nhiều quốc gia khác cũng quan sát thấy tình trạng nghèo dai dẳng và trên thực tế, để tiếp cận đối tượng nghèo nhất ở bất kỳ quốc gia nào đều đòi hỏi những chi phí tài chính rất lớn. Do đó, việc Việt Nam cam kết xóa đói, giảm nghèo là một lựa chọn chính sách công quan trọng và các đối tác phát triển như UNDP sẽ cam kết các nguồn lực nhiều hơn nữa.
Bà Kanni chia sẻ, từng có thời gian đảm nhận công tác tại Việt Nam và sau 20 năm quay trở lại, bà nhận thấy Việt Nam đã phát triển thành quốc gia năng động và sôi nổi. Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cường độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa phá hủy nỗ lực xóa đói, giảm nghèo. Trợ lý Tổng Thư ký LHQ đã đưa ra những khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh của Việt Nam. Theo bà, một bài học kinh nghiệm và nay là khuyến nghị của UNDP đối với các quốc gia, thật sự tạo điểm nhấn trong giảm nghèo là tạo việc làm có năng suất. “Nếu không ổn định kinh tế, hội nhập thương mại, tăng trưởng đầu tư của các khu vực thì không thể tạo ra được việc làm có năng suất. Cần sự vào cuộc của cả một hệ sinh thái, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam cần áp dụng công nghệ xanh hơn để cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực này”, bà Kanni nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà cũng khuyến nghị cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa; mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện, trong kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch; thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công do các cộng đồng dân tộc thực hiện.
Ngày 27/1/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định năm 2021 tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2022- 2025 áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Do vậy, giai đoạn 2022-2025, có khoảng 10 triệu người là đối tượng thuộc hộ nghèo đa chiều sẽ thụ hưởng các chính sách, chương trình giảm nghèo ở Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: “Thông qua các chính sách của Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư cơ bản hơn, khang trang hơn. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được gìn giữ, tuổi thọ trung bình nâng cao… Song, do đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng khó khăn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng khá cao nhưng còn nhiều khó khăn về địa hình, trình độ phát triển khác nhau; việc sử dụng đầu tư từ khu vực công, tư còn hạn chế, cộng với tác động của BĐKH và những vấn đề phát sinh không có trong tiền lệ như đại dịch Covid-19, nên sau nhiều năm xóa đói, giảm nghèo, vẫn còn những vấn đề thách thức mới phải giải quyết trong giai đoạn tiếp theo”.
Theo đại diện của Bộ LĐ-TB&XH, Báo cáo nghèo đa chiều 2021 giống như là “bệnh án” đối với những người làm chính sách. Báo cáo đã chỉ ra những vấn đề cần phải khắc phục hoặc tiếp cận sâu sát hơn, từ đó đề ra các khuyến nghị cho cơ quan hoạch định. UNDP Việt Nam đã có báo cáo đầu tiên về nghèo đa chiều vào tháng 12/2018, phác họa một bức tranh toàn cảnh về giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam, đặc biệt chú trọng đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP Việt Nam chỉ ra rằng, Báo cáo nghèo đa chiều năm 2021 là báo cáo thứ hai cung cấp thông tin cập nhật về tiến bộ của Việt Nam trong việc giảm nghèo ở mọi khía cạnh. Các chuyên gia đã phân tích chi tiết về tình hình việc làm có năng suất, dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội cho tất cả mọi người - vốn là những trụ cột chính để duy trì các thành tựu giảm nghèo đa chiều của Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo cũng xem xét các xu hướng biến động mới trên toàn cầu và trong nước. Trên cơ sở này, đưa ra các khuyến nghị để duy trì tốc độ giảm nghèo nhanh ở tất cả các chiều cạnh và trên toàn lãnh thổ Việt Nam.