Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ

Bom mìn - Cuộc chiến trăm năm trong lòng đất Quảng Trị:

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ

NDO - Với hơn 81% diện tích nghi ngờ ô nhiễm bom mìn vật nổ, Quảng Trị dự kiến sẽ phải mất hàng chục năm mới thực sự khắc phục được hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Mặc dù số vụ tai nạn do bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã giảm dần theo thời gian, nhưng mối nguy cơ ẩn sâu trong lòng đất vẫn chực chờ phát nổ bất cứ lúc nào nếu chủ quan.

Buổi sáng thanh bình ở làng quê Quảng Trị bỗng bị phá tan bởi tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển. Không khí trong một chốc bị nén lại, phần phật thổi ra chung quanh. Tia lửa bùng lên, bay quá đầu người. Lại thêm một quả bom của quân đội Mỹ được kích nổ, dù chiến tranh đã qua gần 50 năm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến nay, trên cả nước, số bom mìn tồn sót phát nổ đã khiến hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương. Không ít trong số này là lực lượng lao động chính trong gia đình và trẻ nhỏ.

Hành trình để khắc phục hậu quả chiến tranh, biến những vùng đất "cảnh báo đỏ" thành "xanh" vẫn đang âm thầm diễn ra với rất nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí có cả máu và nước mắt.

Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết: Bom mìn-Cuộc chiến trăm năm trong lòng đất Quảng Trị với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về hành trình và những nỗ lực của địa phương cũng như rất nhiều tổ chức quốc tế trong việc "làm sạch" mảnh đất của hoa và thép bên dòng Bến Hải.

Ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quảng Trị (QTMAC) đã có cuộc trò chuyện với Báo Nhân Dân về lộ trình đưa Quảng Trị trở thành tỉnh an toàn với bom mìn vật nổ trong những năm tiếp theo.

ĐIỀU CHỈNH MỤC TIÊU ĐỂ PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

Phóng viên: Xin ông cho biết những nỗ lực của Quảng Trị trong việc khắc phục hậu quả của bom mìn, vật nổ khác sau chiến tranh?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trong cả nước. Theo công bố của Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) năm 2018, diện tích đất còn nghi ngờ ô nhiễm bởi bom mìn vật nổ chiếm hơn 81% tổng diện tích toàn tỉnh.

Đặc biệt, kể từ sau chiến tranh tới nay đã có khoảng hơn 8.500 người bị tai nạn từ các loại bom mìn vật nổ còn sót lại, chiếm 1,2% dân số. Đáng tiếc nhất là trong số này có tới 31% nạn nhân là trẻ em. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị có trên 37.000 người khuyết tật, chiếm 6% dân số; trong đó hơn 9.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều gia đình để lại di chứng đến thế hệ thứ ba.

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 1

Ông Đinh Ngọc Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị khẳng định: Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ

Để khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tập trung mọi nỗ lực xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để tái định cư, ổn định đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, do mức độ ô nhiễm bom mìn nặng nề và nguồn lực hạn chế, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng đối với tính mạng và cản trở các nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các hoạt động như: phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm; lao động, sản xuất, kinh doanh; đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội…

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 2

Tổng số nạn nhân của bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh phân chia theo cấp huyện tại Quảng Trị. (Ảnh: QTMAC)

Bên cạnh đó, nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, số tai nạn liên quan tới bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đã có dấu hiệu giảm dần. Chẵng hạn, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh ghi nhận 24 vụ tai nạn thì tới giai đoạn 2021-2023, số phát sinh thêm chỉ là 4 vụ. Vụ tai nạn gần nhất được báo cáo xảy ra vào tháng 7/2022 tại xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông khiến nạn nhân bị tổn thương hai mắt.

Giai đoạn năm 1975-1995, trung bình mỗi năm, tỉnh có khoảng 100 người bị tai nạn do bom, mìn gây ra; giai đoạn từ năm 2005 - 2015 trung bình mỗi năm nạn nhân tai nạn bom mìn giảm xuống còn 10 người. Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến hết năm 2021, tỉnh không có tai nạn bom, mìn. Đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn bom, mìn làm một người chết, hai người bị thương.

Phóng viên: Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ khác sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025 sẽ trở thành tỉnh an toàn với bom mìn. Tới nay, lộ trình thực hiện mục tiêu này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025 đặt ra mục tiêu: Hướng đến mô hình “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm của bom mìn, vật nổ đối với người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, tháng 4/2023 vừa qua, theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) tại Việt Nam, hiện tại Quảng Trị vẫn còn khoảng 620km2 diện tích khu vực khẳng định ô nhiễm với bom chùm và bom bi.

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 3

Vỏ của một viên bom bi còn sót lại sau chiến tranh tại xã Hải Thái, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

Với thực tế này, đồng thời căn cứ vào nguồn lực hiện tại, Quảng Trị dự đoán sẽ phải mất thêm từ 12-13 năm để hoàn thành rà phá các khu vực ô nhiễm kể trên. Do đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp. Hiện nay, Quảng Trị đang nghiên cứu, soạn thảo Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2026-2035, trong đó tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu trở thành “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm của bom mìn, vật nổ các loại.

Phóng viên: Với Chương trình hành động mới, mục tiêu trở thành tỉnh an toàn dự kiến sẽ có thể đạt được trong giai đoạn nào, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Trước hết, chúng ta cần xác định rõ khái niệm tỉnh an toàn không đồng nghĩa với hết sạch bom, mìn mà là làm giảm thiểu sự tác động từ bom mìn, vật nổ khác tới cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội. Muốn làm được điều này, chúng ta cần xây dựng các bộ công cụ, cơ chế quản lý rủi ro, tăng cường truyền thông, giáo dục để người dân có ý thức phòng tránh bom mìn, vật nổ; qua đó hướng tới sự an toàn của cộng đồng.

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 4

Tổng diện tích đã rà phá bom mìn, vật nổ tại Quảng Trị tính theo đơn vị hành chính. (Ảnh: QTMAC)

Theo tôi, Quảng Trị hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu tỉnh an toàn vào cuối giai đoạn 2034-2035. Hiện nay, tỉnh cũng đang thực hiện từng bước với mục tiêu trước mắt là xử lý, rà phá toàn bộ khu vực ô nhiễm do bom chùm, bom bi vào năm 2035. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế, vận động nguồn viện trợ, nhằm có nguồn lực triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn, để trong tương lai không xa, địa phương có thể tự giải quyết có hiệu quả và bền vững vấn đề ô nhiễm bom mìn do chiến tranh để lại.

Tỉnh Quảng Trị đã rà phá được trên 800.000 bom, mìn các loại, làm sạch 32.000 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn nặng; gần 1.000 nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế về rà phá bom, mìn, được trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn vào trường học ngay từ bậc Tiểu học và tiến tới là Trung học Cơ sở. Tỷ lệ người dân, nhất là học sinh nhận biết mức độ nguy hiểm và tác hại của bom mìn đạt mức cao, có 700.000 lượt người được tiếp cận các chương trình giáo dục nguy cơ tai nạn bom, mìn.

CHƯA THỂ CHỦ QUAN VỚI NGUY CƠ BOM MÌN

Phóng viên: Số vụ tai nạn liên quan tới bom mìn đang giảm dần, trong khi diện tích rà phá, chuyển đổi từ “đỏ” sang “xanh” ngày càng nhiều. Đây có phải là lúc chúng ta có thể lạc quan trong cuộc chiến chống lại bom mìn, vật nổ khác chưa, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Như tôi đã nói ở trên, riêng việc rà phá hết trên khu vực 600km2 mà NPA xác định ô nhiễm có thể kéo dài hơn một thập kỷ. Để xử lý sạch bom mìn, vật nổ khác trên cả tỉnh Quảng Trị, trên lý thuyết có thể mất tới cả hàng thập kỷ.

Thực tế, bom mìn và vật nổ khác vẫn tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn. Nhiều trường hợp, do kinh tế nên một số người dân vẫn phải đi rà phá phế liệu chiến tranh. Cùng với trẻ em, nông dân, người làm rừng, đây là nhóm có nguy cơ cao.

Hiện tại, tỉnh Quảng Trị vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp lồng ghép, vừa xử lý các mối nguy cơ hiện hữu, vừa hỗ trợ các nạn nhân bom mìn; kết hợp giáo dục kiến thức phòng chống bom mìn cho nhân dân; đồng thời tạo sinh kế thông qua các hoạt động cụ thể.

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 5

Thời gian qua, bên cạnh việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, tỉnh Quảng Trị cũng tập trung hỗ trợ, cải thiện sinh kế cho các nạn nhân bị ảnh hưởng.

Phóng viên: Cải thiện sinh kế có phải là chìa khóa quan trọng để hướng tới tương lai lâu dài và tươi sáng hơn không, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Cải thiện sinh kế sẽ là một trong những chìa khóa chính. Bởi khi kinh tế được phát triển, thay vì phải làm những công việc có nguy cơ cao, người dân có thêm nhiều lựa chọn khác.

Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh ngân sách từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong một vài năm trở lại đây khá hạn chế. Nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế đã cắt giảm khá nhiều. Ngoài ra, một khó khăn khác là các chương trình tiến hành ngắn hạn theo từng năm. Do đó, rất khó có được một chương trình tổng thể dài hơi.

Phóng viên: Vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ hiện nay tại Quảng Trị như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Việc rà phá bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức quốc tế. Với sự nỗ lực của địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành TW, từ năm 1996, tỉnh Quảng Trị là tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép thí điểm hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Đến tháng 4/2023, đã có 34 tổ chức phi chính phủ và 23 tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả bom, mìn. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khảo sát và rà phá bom mìn; giáo dục phòng tránh bom mìn; xử lý bom mìn lưu động; tái định cư tại các vùng đất đã hoàn thành việc rà phá bom mìn; chăm sóc và hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bom mìn và nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ phát triển sau rà phá, các hoạt động hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập...

Các nhà tài trợ tiêu biểu của chương trình hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh trong 27 năm qua gồm: Bộ Ngoại giao Đức, Bộ Hợp tác phát triển Đức, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Na Uy, Cơ quan Phát triển quốc tế-Vương quốc Anh, Quỹ Viện trợ Ireland (IA) cùng nhiều quỹ nhân đạo, tổ chức và cá nhân ngoài nước.

Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn và số nạn nhân bom mìn qua các năm, giảm thương vong, tổn thất cho người dân và chi phí cho xã hội. Nhiều diện tích đất đai bị ô nhiễm nặng đã được rà phá, một số lượng lớn bom mìn và vật nổ đã được phát hiện và phá hủy an toàn.

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 7

Nhân viên của dự án NPA/RENEW rà phá bom mìn chùm tại địa phận xã Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị vào tháng 11/2023.

Đặc biệt, các dự án đã góp phần xây dựng và đào tạo được một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với kỹ thuật, công nghệ hiện đại là một nguồn lực quan trọng để giúp tỉnh giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn bền vững trong tương lai.

Tới nay, hằng năm, các tổ chức này đóng góp từ 8-900 nhân sự cho công tác rà phá bom mìn tại tỉnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng đã hỗ trợ rất nhiệt tình trong công tác đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên địa phương. Hiện nay, chúng tôi tự hào khi gần như 90-95% các nhân viên tại Việt Nam có thể tự đảm trách được công tác rà phá bom mìn tại thực địa. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với trước đây.

Theo số liệu từ Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị: Tính đến tháng 8/2023, trên 32.000 ha đất được rà phá bởi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và lực lượng quân sự, phát hiện và xử lý hơn 800.000 vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Trong 27 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ của các dự án đạt trên 188 triệu USD, tương đương 4.324 tỉ đồng.

Phóng viên: Với chức năng điều phối, QTMAC đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ khác sau chiến tranh tại Quảng Trị, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Vũ: Thành lập từ năm 2013, tiền thân QTMAC là đơn vị cơ sở dữ liệu trước khi phát triển thành vai trò điều phối như hiện nay. Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị cũng là trung tâm điều phối bom mìn cấp tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. QTMAC có nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn trong công tác quản lý, điều phối, giám sát các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị một cách có hiệu quả nhất.

Quảng Trị cũng chính là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh bài bản, đầy đủ về hoạt động bom mìn bao gồm thông tin, dữ liệu về nạn nhân trên toàn tỉnh. Thông qua hệ thống này, QTMAC sẽ hướng dẫn, điều phối và giám sát các tổ chức có hoạt động dự án bom mìn trên địa bàn; trên cơ sở đó bảo đảm tính hiệu quả của các hoạt động thực địa.

Quảng Trị cần nhiều thập kỷ nữa để khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ảnh 8

Bản đồ khu vực khẳng định nguy hiểm với bom mìn tại Quảng Trị hiện nay.

Cũng nhờ đó, từ một tỉnh có mức độ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước, đến nay địa phương đã kiểm soát được vấn đề ô nhiễm bom, mìn, có thể nhận biết được khu vực nào có mức độ ô nhiễm cao, khu vực nào cần ưu tiên xử lý, khu vực nào ô nhiễm với loại bom, mìn nào, nạn nhân bom, mìn đang cần hỗ trợ những gì.

Xin trân trọng cám ơn ông!

back to top