Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến

Bom mìn-Cuộc chiến trăm năm trong lòng đất Quảng Trị:

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến

NDO - Từ vài thập niên qua, cuộc chiến "trong lòng đất" để khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ khác vẫn đang âm thầm diễn ra trên nhiều tỉnh, thành cả nước.

Buổi sáng thanh bình ở làng quê Quảng Trị bỗng bị phá tan bởi tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển. Không khí trong một chốc bị nén lại, phần phật thổi ra chung quanh. Tia lửa bùng lên, bay quá đầu người. Lại thêm một quả bom của quân đội Mỹ được kích nổ, dù chiến tranh đã qua gần 50 năm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến nay, trên cả nước, số bom mìn tồn sót phát nổ đã khiến hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương. Không ít trong số này là lực lượng lao động chính trong gia đình và trẻ nhỏ.

Hành trình để khắc phục hậu quả chiến tranh, biến những vùng đất "cảnh báo đỏ" thành "xanh" vẫn đang âm thầm diễn ra với rất nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí có cả máu và nước mắt.

Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết: "Bom mìn-Cuộc chiến trăm năm trong lòng đất Quảng Trị" với mong muốn giúp bạn đọc hiểu hơn về hành trình và những nỗ lực của địa phương cũng như rất nhiều tổ chức quốc tế trong việc "làm sạch" mảnh đất của hoa và thép bên dòng Bến Hải.

Một buổi chiều đầu tháng 11, chúng tôi tìm xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Khoảng hai chục năm về trước, đây được coi là điểm nóng nhất về bom mìn. Người địa phương định danh chòm xóm nhỏ nằm nép mình bên đường Hồ Chí Minh bằng cái tên đầy ám ảnh: Xóm tử thần, góa bụa, hay bến không chồng. Giờ đây, những cái tên ấy đã dần bạc phếch theo thời gian, nhưng những ám ảnh kinh hoàng do bom mìn thời hậu chiến thì vẫn còn nguyên trong tâm trí người sống sót.

KÝ ỨC KINH HOÀNG TẠI XÓM... CỤT

Trong lịch sử, Hải Thái nằm đoạn cuối trên hàng rào điện tử McNamara do quân đội Mỹ dựng lên vào năm 1965 với các vị trí như đồi C1, C2, đồi Phu Lơ… dày đặc. Khi hòa bình lập lại, người dân Hải Thái thêm một lần chấp nhận… sống chung với bom mìn. Họ thậm chí còn từng phải mưu sinh bằng nghề dọn dẹp, rà phá những “di chứng nổ” thời chiến.

Phan Tấn Hoàng từng có hàng chục năm làm nghề tìm kiếm, thu mua phế liệu. Trước khi “giải nghệ”, căn nhà mái bằng của Hoàng tại thôn 2 là điểm tập kết của đủ loại vật liệu nổ được người dân địa phương và chính bản thân anh “đào được” chung quanh nhà.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 1

Nhà của Phan Tấn Hoàng vốn là "vựa" thu mua phế liệu tại xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Mặc dù đã "giải nghệ" nhưng mảnh sân trước nhà Hoàng vẫn ngổn ngang những mảnh vỏ bom mìn - dấu vết cuộc chiến 48 năm về trước. (Ảnh: Thành Đạt)

Cách đây chừng 20 năm, bom, mìn, đầu đạn có thể tìm thấy ở nhiều nơi, trong vườn cao su, cánh đồng hoặc sâu trong những cánh rừng rậm rạp. Vài ba cân sắt vụn có thể đắp đổi cho những bữa cơm đạm bạc, một vài cân thuốc nổ bán kiếm tiền có thể mua cho con bộ quần áo mới... Thời cao điểm của phong trào cưa bom lấy thuốc nổ và lấy kim loại quý là từ những năm 1991 đến năm 1996.

“Thời đó, hầu như ở Hải Thái ai cũng làm nghề dọn bom mìn cả. Không làm cũng chẳng biết lấy gì mà ăn”, Hoàng thở dài, nhìn đăm đăm vào một mảnh bom đã gỉ sét xếp bên hiên nhà kể.

Để tìm những trái bom lớn vài trăm ký, chúng tôi thường vào rừng sâu, nơi ít người qua lại. Khi phát hiện hố sâu, cánh thợ sẽ dùng cuốc, xèng và cả tay không để đào.

“Tất cả đều làm bằng bản năng. Có khi phải đào tới cả chục mét”, Hoàng bình thản nói. Bản thân Hoàng cũng từng “xém chết” khi kíp mìn bất ngờ lách tách phát nổ ngay trên tay người.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 2

Phan Tấn Hoàng bên những "di vật" thời chiến. Trong ảnh, nhân vật với "Cây nhiệt đới" - một phần trong hàng rào điện tử McNamara trứ danh từng bao vây chung quanh xã Hải Thái trong thời chiến. (Ảnh: Thành Đạt)

Tại thôn 6, ông Nguyễn Diện khó nhọc kéo chiếc chân giả đã ngả màu vàng vọt của thời gian ra ngồi trước hiên nhà. Đôi mắt trái mờ đục, đã mất hoàn toàn thị lực chốc chốc lại chớp không thôi như một thói quen từ thời còn… lành lặn. Hai lần dính bom, mìn mà vẫn sống sót, ông là một nạn nhân may mắn tới khó tin tại Hải Thái.

Xòe bàn tay phải đã “cụt đọt” và co rút lại vì mất nhiều mảnh xương, ông kể về lần đầu đối mặt với tử thần. Một buổi trưa năm 1977, ông Diện cùng nhiều thanh niên trong xã chuẩn bị kết thúc nhiệm vụ rà phá bom mìn theo kế hoạch tại Cồn Tiên. Phía xa, tiếng leng keng của kẻng báo cơm đã điểm. Như một thói quen, Diện cắm chiếc xẻng công binh ngập xuống đất chỉ chưa đầy hai tấc. Bỗng một tiếng “Cạch” khô khốc vang lên.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 3

Hai lần "dính bom mìn", ông Nguyễn Diện đã mất đi chân phải, vài ngón tay và cả con mắt trái.

“Dính mìn rồi”, vừa mới thoáng nghĩ, nhưng chưa kịp làm gì, hơi nóng ràn rạt đã bốc lên, thốc thẳng vào tay và mặt ông Diện. Tai nạn năm 1977 đã khiến mắt trái của ông hỏng hoàn toàn, tay phải cụt hai ngón và co rút đến mức không thể cầm nắm được. 51% sức khỏe và một giấy chứng nhận thương binh là điều người đàn ông gần 60 tuổi ở Hải Thái nhận được.

Chưa đầy 5 năm sau, ông Diện lại gặp nạn ở Cồn Tiên khi tới cắt cỏ gianh lợp mái nhà. Mặc dù đã có nhiều “kinh nghiệm”, nhưng ông vẫn dẫm phải mìn. Ông chỉ thấy “một tiếng nổ đinh tai vang lên, nóng rát” trước khi bị hất văng ra cả chục mét. Đám cỏ xanh rậm rì cũng bị phạt bằng, vàng vọt cháy…

“Tầm nửa giờ thì tôi tỉnh. Chân phải đã bị thổi bay chỉ còn lại phần gót. Tôi phải lấy một sợi dây viễn thông gần đó làm ga-rô để cầm máu rồi cố bò ra đường lớn”, ông Diện kể.

Sau sự cố này, ông Diện buộc phải cưa toàn bộ cẳng chân phải. Sức khỏe vốn chỉ còn 49% cũng trở nên suy giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, ông vẫn nói mình… may vì ít ra còn giữ được mạng sống. Ông bảo, chỉ riêng tại thôn 6, đã có ít nhất 25 người tử vong do bom mìn hậu chiến.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 4

Dấu vết khốc liệt của bom mìn hậu chiến hằn lên trên cơ thể những nạn nhân như ông Diện.

Có những thời điểm, 100% đàn ông Hải Thái kéo nhau đi rà phá bom mìn, tìm kiếm phế liệu bán lấy tiền nuôi sống gia đình để rồi hàng loạt cái chết thương tâm cũng bắt nguồn từ đây. Những ngôi nhà trong thôn cứ dần dần mất đi trụ cột là người đàn ông, để lại cảnh mẹ góa con côi.

Chị Nguyễn Thị Phượng một người dân thôn 6 cho biết: “Chúng tôi sống ở đây lâu dần thành quen, hễ hôm nào nghe thấy tiếng bom nổ là y rằng hôm sau trong làng sẽ có đám ma. Mà đâu có phải một tiếng bom nổ là một mạng người ra đi đâu, nhiều khi có đến 4, 5 người bỏ mạng cùng một lúc".

Tại thôn 2, bạn thân của Hoàng là Tuấn, ở cách nhà anh chỉ một con dốc ngắn. Một buổi sáng cách đây 20 năm, trước khi vào rừng tìm kiếm, Tuấn tới chào Hoàng và bảo: Đây sẽ là chuyến cuối cùng trước khi “nghỉ khỏe”.

“Bữa đó, tôi chỉ vừa kịp ngả lưng được chừng 30 phút thì loáng thoáng nghe thấy tiếng nổ lớn từ phía trên núi vọng ra. Từ đó, Tuấn cũng không bao giờ trở lại để thực hiện lời hứa nữa”.

NỖI ĐAU CHƯA DỪNG LẠI

Câu chuyện tại Hải Thái chỉ là một trong những thí dụ không hề hiếm gặp tại Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền trung Việt Nam nói chung. Vì mưu sinh nên các nạn nhân của bom mìn vẫn chưa dừng lại.

Việt Nam là một trong số những nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Theo Báo cáo về tình trạng ô nhiễm các loại vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, toàn bộ 63 tỉnh thành đều chịu ảnh hưởng với tổng diện tích lên tới 61.300km2, tương đương khoảng 19% diện tích đất nước. Kể từ năm 1975, các tai nạn do bom mìn đã tác động tới hơn 105.000 người, khiến 38.000 người chết và 66.000 người bị thương.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 5

Chuẩn bị tiến hành hủy nổ một đầu đạn M79 tại xã Trung Giang, Gio Linh (Quảng Trị) sáng 7/11/2023. (Ảnh: Thành Đạt)

Theo Báo cáo từ Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, ước tính còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại trên các vùng miền tại Việt Nam. Theo kết quả điều tra, đánh giá tại 11.134 xã của 63 tỉnh, thành phố, tính đến thời điểm tháng 12-2014, có tới 9.116 xã, phường còn bị ô nhiễm. Đặc biệt có địa phương diện tích bị ô nhiễm chiếm hơn 80%.

Tại một số tỉnh miền trung đã có trên 22.800 người bị ảnh hưởng, trong đó hơn 10.540 người chết, 12.260 người bị thương. Trong 5 năm (từ 2013-2018) qua có 1.813 trường hợp bị tai nạn, trong đó số người chết lên đến gần 1.000 người.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 6

Vỏ ngoài của một viên bom bi tìm thấy tại Gio Linh, Quảng Trị. (Ảnh: Thành Đạt)

Một số liệu khác từ Bộ Quốc phòng cho thấy, trong những năm gần đây, tổng số nạn nhân của bom mìn đã giảm đáng kể, với khoảng dưới 50 người/năm (so với mức gần 400 người mỗi năm vào thời điểm trước năm 2010).

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Tổ chức Viện trợ Na Uy tại Việt Nam (NPA), thực tế cho thấy việc người dân tiếp tục sử dụng các khu đất không an toàn và bị ô nhiễm vật liệu nổ vẫn còn rất phổ biến. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao nhất cũng là những khu vực nghèo khó nhất.

Những nguy hiểm thường trực từ bom đạn chùm và vật liệu nổ vẫn là mối lo ngại lớn của người dân sống trong các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Đại diện Tổ chức Viện trợ Na Uy tại Việt Nam (NPA)

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị vẫn là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất nước. Theo khảo sát tác động bom mìn của NPA, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng tại địa phương này lên tới 3.861km2, chiếm 81,36% tổng diện tích toàn tỉnh. Trong đó, riêng giai đoạn 2015-2023, NPA đã phát hiện dấu vết bom đạn chùm trên tổng diện tích 600km2.

Theo Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), vụ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ gần nhất xảy ra vào tháng 7/2022. Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra tại xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông khiến nạn nhân bị tổn thương hai mắt.

Mặc dù đã được từng bước “kiểm soát” nhưng thực tế, bom mìn vẫn không chỉ “lẩn khuất” tại các huyện xa như Gio Linh, Cam Lộ… Nó còn hiện diện và để lại những mối nguy cơ ngay trong lòng thành phố Đông Hà.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 7

Sau 48 năm, hậu quả bom mìn, vật nổ khác giai đoạn hậu chiến vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ và để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Dẫn chúng tôi đi xem mảnh vụ của những quả đạn đã bị xé toạc, ông Nguyễn Thanh Phú, Quản lý Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn Quảng Trị kể: Vào tháng 2/2010, một quả đạn 105 ly phát nổ ngay giữa sân trường THCS Nguyễn Huệ ở thành phố Đông Hà, nơi có hơn 500 học sinh đang học. Vụ nổ xuất phát từ một tình huống không ai ngờ khi nhà trường tiến hành đốt một gốc cây lớn trong sân. Không một ai biết bên dưới có một quả đạn pháo chưa nổ.

Sức nóng của việc đốt rác đã làm phát nổ quả đạn pháo, hất văng gốc cây ra xa, làm vỡ kính của ít nhất 10 cửa sổ của ngôi trường ba tầng. Nếu vụ nổ xảy ra chậm 5 phút nữa thôi, đúng giờ học sinh ra chơi thì chắc con số thương vong sẽ rất cao, trong khi nhiều người vẫn nghĩ rằng ở trường là nơi an toàn.

Những nỗi đau chưa nguôi ngoai sau cuộc chiến ảnh 8

Trường THCS Nguyễn Huệ, nơi từng chứng kiến vụ nổ đầu đạn 105 ly 13 năm về trước. (Ảnh: Thành Đạt)

Tiếp đó, mới đây, vào tháng 3/2022, lực lượng công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã xử lý an toàn một hầm chứa hơn 400 vật liệu nổ dưới nền nhà của một hộ dân ở khu phố Tây Trì, Phường 1, thành phố Đông Hà. Hầm chứa các vật liệu nổ này gồm đạn cối, đạn pháo, bom M83, lựu đạn, đầu đạn các loại. Đặc biệt số vật liệu nổ này còn nguyên ngòi nổ.

Những thí dụ kể trên là bằng chứng mạnh mẽ rằng bom đạn của cuộc chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm nhưng vẫn có thể đang còn ở bất kể nơi đâu.

Dấu vết của bom mìn tại Quảng Trị không chỉ được tìm thấy trong những phận đời hay một vài câu chuyện kể rải rác mà còn tồn tại một cách trực quan hơn. Tại Gio Linh, có những ngôi nhà với hơn một ngàn vỏ bom, mảnh đạn như một chứng cớ nhãn tiền cho nỗi đau vẫn còn chưa dừng lại.

(Kỳ tiếp theo: Những ngôi nhà chứa hàng trăm, nghìn mảnh bom tại Quảng Trị)

back to top