Trại chăn nuôi lợn thịt của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn có diện tích gần 2ha, được thực hiện tại thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum với quy mô 4.800 lợn thịt/năm. Theo phản ánh của nhiều người dân nơi đây, từ khi đưa vào hoạt động đến nay là gần 2 năm, trại chăn nuôi này đã gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con.
Khi có sự phản ánh của người dân, Ủy ban nhân dân xã Ngọk Wang đã tổ chức buổi làm việc vào ngày 4/7/2023 giữa Ban Quản lý thôn Kon Gu I với trại chăn nuôi lợn thịt trên. Ông Trần Duy Khanh, đại diện trại chăn nuôi của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn, thừa nhận: "Việc nhân dân có ý kiến về việc xả thải ra môi trường, gây mùi hôi là đúng sự thật. Nguyên nhân là do sự cố kỹ thuật đường ống dẫn nước thải xuống hầm chứa nước thải bị vỡ, gây tràn ra vườn cây cao su của nhân dân".
Đến tháng 10/2023, bể biogas của trại lợn hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn lại bị rách bạt, nước thấm trực tiếp ra ngoài.
Có mặt tại hiện trường trại lợn, chúng tôi đã bị mùi hôi thối xộc vào mũi, rất khó chịu.
Chị Thúy, một người dân ở thôn 5 xã Ngọk Wang, có rẫy cà phê cạnh trại lợn, cho biết: Trại lợn phát mùi hôi, khó chịu. Mùi hôi thối này phát sinh từ khi trại lợn đi vào hoạt động, hiện nay đang là các ngày mưa nên còn đỡ chứ vào ngày nắng, mùi từ trại lợn bốc lên, muốn ói. Người dân đã có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri, lực lượng chức năng ở huyện về xử lý nhưng chủ trại lợn khắc phục mùi hôi không được. Về lâu dài, mùi hôi sẽ ảnh hưởng dân nhiều, người dân chịu không nổi.
Đường ống chứa chất thải từ trại lợn chạy ngoằn ngoèo quanh rẫy cao su của người dân rồi đổ trực tiếp xuống suối gần đó. |
Bức xúc về vấn đề môi trường, cử tri Nguyễn Tấn Đông, cư trú tại thôn 7, xã Ngọk Wang đã có ý kiến về công tác bảo vệ môi trường của trại chăn nuôi lợn thịt của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn.
Đảng ủy xã Ngọk Wang đã chỉ đạo kiểm tra từ khi trại lợn hoạt động, gây ra mùi hôi nồng nặc, làm ảnh hưởng cuộc sống người dân chung quanh. Do thẩm quyền địa phương không xử lý được nên Đảng ủy xã Ngọk Wang đã có ý kiến trong các cuộc họp thường kỳ với Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân huyện Đăk Hà.
Tại Quyết định 138/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trên, công trình phải có ít nhất 8 bể xử lý với quy trình rất chặt chẽ như: bể biogas, bể điều hòa, bể sinh học thiếu khí, bể sự cố...
Thế nhưng trên thực tế chúng tôi quan sát, thì trại lợn trên chỉ có 3 bể chứa. Ông Trần Nhật Tuấn, kỹ thuật trưởng trại lợn, cho biết, trại chăn nuôi lợn có 1 bể chứa biogas và 2 bể lắng, lượng phân đổ về hai bể lắng rất ít, nhiều khi không có. Đợt sự cố tràn phân là do kết cấu trại hoạt động lâu, xuống cấp, hầm lắng nhỏ bị sự cố nên tràn phân ra ngoài vườn cà phê của dân.
Dòng suối vẩn đục do nước thải từ trại lợn. |
Trước sự việc trên, qua kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà cho rằng hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thấn đã thực hiện theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên xảy ra sự cố bể biogas bị hư hỏng gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.
Qua điều tra thực tế chung quanh trại lợn trên, chúng tôi phát hiện ra một đường ống lớn, chạy ngoằn ngoèo, khúc chôn sâu, khúc lộ thiên quanh rẫy cao su, cà phê, chuối của người dân, rồi đổ thẳng xuống dòng suối gần đó. Tại điểm lộ thiên, nơi đường ống bị đứt, thì có nước vàng đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đoạn còn lại của đường ống, dài khoảng 400m dẫn thẳng ra suối. Dòng nước bẩn mà chúng tôi thấy tại hiện trường khác với yêu cầu, quy định nước thải của dự án. Cụ thể, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, nước thải trước khi ra môi trường phải đạt quy chuẩn chất lượng đạt cột A-QCVN 62-MT:2016.
Nước thải được đổ trực tiếp tại con suối gần trại lợn. |
Đồng chí Đường Thị Hồng Luân, Phó Phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, cho biết, theo Luật Môi trường, đối với cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải, phải lập thủ tục xin cấp phép môi trường. Dự án trại lợn ở thôn 5, xã Ngọk Wang phải có giấy phép môi trường mới được đưa vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đối với dự án trại lợn này.
Liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà để hỏi về sự việc trại lợn gây ô nhiễm trên, chúng tôi được Phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời rằng, vụ việc trại lợn tại thôn 5, xã Ngọk Wang chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện mới được phát ngôn.
Dự án Trại chăn nuôi lợn tại thôn 5, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà đi vào hoạt động trong khi còn thiếu giấy phép môi trường, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân hiện đang rất gây bức xúc cho người dân tại địa phương.