Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số

NDO - Sáng 24/10, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp với chủ đề “Phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số”. 
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Australia và Việt Nam (Chương trình Aus4Skills), nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Australia và hưởng ứng Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam (4/10).

Mục tiêu của Diễn đàn nhằm chia sẻ các mô hình và kinh nghiệm của Việt Nam và Australia trong phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics, giúp học viên có đủ năng lực và sẵn sàng thích nghi trong kỷ nguyên số; xác định những thách thức và đề xuất các chính sách, giải pháp để đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các vấn đề: thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và tham gia phát triển kỹ năng, chuyển đổi số và đẩy mạnh hoà nhập trong giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics

Hiện nay, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Với chỉ số tăng trưởng từ 14-16%, logistics là một trong số các ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hoá đang ngày càng tăng.

Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Tại Việt Nam, logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.
Với tốc độ bình quân từ 14-16% và quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam".

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

"Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực, trong đó, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu. Vì vậy, tôi đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Australia trong việc phát triển nguồn nhân lực với sự tập trung hỗ trợ hoàn thiện chính sách cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số ảnh 1

Đại sứ Australia tại Việt Nam, ngài Andrew Goledzinoski chia sẻ thông tin tại Diễn đàn.

Ngài Andrew Goledzinoski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng chia sẻ tầm nhìn về phát triển lực lượng lao động logistics: “Chính phủ Australia và Việt Nam cùng nhau hợp tác bảo đảm cho Việt Nam có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiệu quả, bền vững để đào tạo đội ngũ lao động được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho tương lai. Australia có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp rất phát triển và việc phát triển kỹ năng lao động ngành logistics rất cần thiết cho những quốc gia có hệ thống cung ứng lớn như Việt Nam.

Vậy nên chúng tôi tập trung vào ngành logistics và đã giúp Việt Nam đưa các doanh nghiệp, chính phủ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại gần nhau nhằm giúp sinh viên phát triển những kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp”.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số

Có thể thấy, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Mặc dù đã có nhiều sự thay đổi trong giáo dục nghề nghiệp, lĩnh vực này vẫn còn một chặng đường để cung cấp một đội ngũ lao động chất lượng cao đủ cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam, tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng chia sẻ nói: Theo tính toán, tới năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực. Vì vậy, việc xây dựng năng lực lao động và gắn kết doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đặt ra rất bức thiết.

Australia hiện đang hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam để đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là xây dựng mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt trong giáo dục nghề nghiệp.

"Bản thân tôi, qua kinh nghiệm quản lý cũng như tham gia thực tế các khoá học ở Austrailia thì thấy hệ thống giáo dục nghề nghiệp của họ rất mở, linh hoạt và thực tiễn. Có rất nhiều điều có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Australia” - ông Trương Anh Dũng khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC) Vũ Ninh, thông qua chương trình Aus4Skills, Australia đã hỗ trợ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam thành lập Hội đồng LIRC, đây là một mô hình chưa từng có ở Việt Nam do doanh nghiệp dẫn dắt, giúp đưa ra những dự báo về kỹ năng nghề, cung cấp các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đóng góp vào việc xây dựng các khoá đào tạo mới cho giảng viên và học viên các trường nghề.

Logistics là một ngành công nghiệp toàn cầu với những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu đối với đội ngũ lao động. “Sự kết nối và nắm bắt thông tin kịp thời của thị trường thông qua Hội đồng LIRC giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết kế chương trình đào tạo cập nhật.

Điều này giúp thu hút sinh viên tham gia các khóa học logistics nhiều hơn, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Bên cạnh đó, ông Lưu Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng hàng hải I cũng cho biết: Mô hình xây dựng kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên những năng lực mà thị trường yêu cầu.

“Kể từ khi tham gia vào chương trình Aus4Skills vào năm 2020, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong việc đào tạo giảng viên và thí điểm hai mô-đun giảng dạy mới.

Hầu hết các sinh viên tham gia khoá đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp. 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao.

Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp tăng số lượng sinh viên đăng ký học một cách rất ấn tượng”.