Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, không để bệnh đậu mùa khỉ lây lan

Từ đầu năm 2023 đến ngày 7/10, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, riêng trong ngày 6/10 ghi nhận bốn trường hợp mắc bệnh. Người dân lo ngại về khả năng mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đậu mùa khỉ không dễ lây lan và khó bùng phát thành dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn quy trình xử lý ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cho các nhân viên y tế.
Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn quy trình xử lý ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cho các nhân viên y tế.

Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/9. Một người tiếp xúc gần với nam bệnh nhân này cũng đã được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Điều tra bệnh sử, bệnh khởi phát trước đó khoảng một tuần với các triệu chứng nổi hạch hai bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi hai, ba mụn nước nhỏ. Sau đó, nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục), ngứa, khó chịu, không sốt.

Sau khi nhận thông tin trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách tám người tiếp xúc gần với bệnh nhân (bốn người tại Thành phố Hồ Chí Minh, một người ở Bình Dương, ba người ở Đồng Nai). Sau đó, lần lượt xuất hiện thêm các ca bệnh vào các ngày 28/9, 4/10 và 6/10.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận trên địa bàn có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca xâm nhập, những ca còn lại phát hiện trong nước. Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện HCDC cho biết, theo thông tin điều tra được, thì chưa thấy có sự liên quan giữa các ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước.

Tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đầu tiên các bệnh nhân đến thăm khám, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ thường là một bệnh tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ hai đến bốn tuần. Các trường hợp nặng có thể xảy ra, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trước đây dao động từ 0 đến 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận trên địa bàn có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca xâm nhập, những ca còn lại phát hiện trong nước. Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thông tin điều tra được, thì chưa thấy có sự liên quan giữa các ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước.

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong theo ca bệnh dao động trong khoảng 3 đến 6% (theo Tổ chức Y tế thế giới). Những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, bao gồm nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình. “Các ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh có những ca có dấu hiệu ban đầu rất dễ nhầm tưởng với các bệnh nam khoa. Tuy nhiên, đã được các bác sĩ phát hiện bệnh sớm, xử lý đúng theo quy trình cho nên quá trình điều trị rất thuận lợi; đồng thời, bệnh viện cũng đã xây dựng một quy trình tầm soát, xử lý đặc biệt cho những trường hợp có triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ, nhân viên y tế đã được tập huấn đầy đủ” - bác sĩ Thảo khẳng định.

Để tiếp tục trau dồi thêm kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ, từ ngày 9 đến 11/10, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều lớp tái tập huấn cho các nhân viên y tế chẩn đoán, quy trình xử lý ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chị Lữ Thị Uyên (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi đã từng nghe thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, vẫn nghĩ đậu mùa khỉ chỉ có ở châu Phi. Hiện giờ, ngay cả người Việt Nam không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người nước ngoài mà vẫn mắc bệnh thì tôi thấy rất đáng lo ngại.Giải đáp cho những lo lắng này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Người dân không nên quá lo lắng, bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng.

Về khả năng mầm bệnh có thể đang tiềm ẩn trong cộng đồng, bác sĩ Khanh cho rằng, nếu có mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng thì cũng không phải vấn đề đáng lo ngại. “Đậu mùa khỉ chỉ lây lan khi có tiếp xúc cọ xát gần, da với da, miệng với miệng điển hình là quan hệ tình dục cho nên việc lây lan và phòng bệnh cũng tương tự như với HIV/AIDS chứ không phải lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc cho nên người dân không cần quá lo lắng, hoang mang”, bác sĩ Khanh nhận định.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi, nên tập trung vào những người bị ảnh hưởng và những người tiếp xúc gần gũi của họ. Không kỳ thị những nhóm người bị bệnh này vì có thể là một rào cản ngăn cản người bệnh tìm kiếm sự chăm sóc, dẫn đến sự lây lan không bị phát hiện.

Trước tình hình số ca đậu mùa khỉ tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu HCDC và các bệnh viện, phòng khám... tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát chặt chẽ và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh trong cộng đồng. Việc phát hiện ca mắc đầu tiên để cách ly, tìm nguồn lây là vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng phù hợp, không để mất kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, cũng không nên phản ứng thái quá mà triển khai đầu tư không cần thiết, nhất là trong bối cảnh, đang có nhiều dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp trên cả nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu… Cần truyền thông để người dân không hoang mang và nắm được các biện pháp phòng bệnh để chủ động bảo vệ bản thân.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần đi khám và thực hiện xét nghiệm để loại trừ; chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; nhất là với những người có yếu tố dịch tễ như: đi từ vùng dịch ở nước ngoài về, có tiếp xúc với những người mắc bệnh, hoặc người có triệu chứng nghi ngờ…

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn tiến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; tốt nhất, che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.