Tập trung kiểm soát ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng

Sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế các địa phương tập trung giải pháp kiểm soát ổ dịch, không để bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong tại cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương được điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên. (Ảnh HUYỀN TRANG)
Bệnh nhân đậu mùa khỉ ở Bình Dương được điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên. (Ảnh HUYỀN TRANG)

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/9, thành phố ghi nhận một trường hợp là nam (25 tuổi) thường trú tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), hiện tạm trú tại quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Trong một tuần gần đây, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn tạm trú tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương), hiện người bạn này đang có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ; không ghi nhận bệnh nhân đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài trong vòng 21 ngày kể từ ngày dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ là anh L.V.T (25 tuổi) là lao động tự do. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, từ ngày 28/8 đến ngày 17/9, chưa ghi nhận bệnh nhân đi nước ngoài hoặc tiếp xúc với người nước ngoài. Ngày 2/9, bệnh nhân về nhà tại ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc và có tiếp xúc với bốn người trong gia đình, gồm: bà nội, ba, mẹ và chị gái. Ngày 16/9, bệnh nhân tiếp xúc với bạn (tạm trú huyện Tân Uyên, Bình Dương). Hiện người bạn này đã phát bệnh.

Chiều 26/9, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Bình cho biết: Sau khi điều tra dịch tễ ở huyện Xuân Lộc, khả năng nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn rất thấp. Bởi bệnh nhân T về Đồng Nai đang trong giai đoạn ủ bệnh, gần như vi-rút không có lây lan ra ngoài. Quá trình điều tra dịch tễ, ghi nhận bốn người trong gia đình tiếp xúc gần với bệnh nhân T chưa có triệu chứng gì bất thường, nhưng ngành y tế địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những trường hợp này, đồng thời thông tin với ngành y tế tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra dịch tễ và theo dõi những người tiếp xúc với người bệnh.

Tại tỉnh Bình Dương, sau khi nhận được thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về trường hợp chị N.K.L có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định trước tại tỉnh Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn giám sát tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh; chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên khẩn trương điều tra ca bệnh, khoanh vùng và tiến hành phun khử khuẩn môi trường chung quanh khu vực nhà ở của bệnh nhân; lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; cách ly, theo dõi, điều trị bệnh nhân N.K.L tại khoa Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế thành phố Tân Uyên.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm hướng dẫn giám sát bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế; sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân các biện pháp dự phòng dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho rằng, với những ca bệnh nêu trên, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh. Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực, vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Các ngành liên quan cần tiếp tục giám sát cửa khẩu, người đi từ vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác, vì việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng góp quan trọng trong khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan tại cộng đồng.

Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022; chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý triệt để ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Mặt khác, ngành y tế các địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ; tổ chức điều trị bệnh nhân, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; thực hiện tốt công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, không để người dân hoang mang, lo lắng không cần thiết. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời các địa phương, đơn vị trên địa bàn về giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và phòng chống lây nhiễm, xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ kịp thời, hiệu quả.

Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh… Thời gian ủ bệnh thường từ ba đến sáu ngày, nhưng có thể dao động từ 5 đến 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn). Bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ hai đến ba tuần.

Nguồn: Bộ Y tế