Hướng tới phát triển bền vững, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai thực hiện nhất quán phương châm “tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”.
Cải tạo, phục hồi môi trường
Có độ dài 56 km, sông Buông là dòng sông nội tỉnh dài nhất ở Đồng Nai. Trong đó, đoạn sông 10 km xuyên qua địa bàn phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa bị ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua, khiến người dân bức xúc.
Nguồn gây ô nhiễm chính được xác định là do một số doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở khu vực này rửa cát, đá xả nước thải trực tiếp ra sông và ảnh hưởng từ quá trình hoạt động cụm mỏ đá Phước Tân.
Với sự vào cuộc rốt ráo của ngành chức năng, từ cuối năm 2022 đến nay, các cơ sở gây ô nhiễm đã bị đình chỉ hoạt động, xử phạt vi phạm hành chính và buộc di dời ra khỏi khu vực trên.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng đang thực hiện Dự án đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng hoạt động khai thác khoáng sản của cụm mỏ đá Phước Tân đến môi trường sông Buông, để đưa ra phương án cải tạo, từng bước phục hồi môi trường.
Trước đây, nước sông Buông trong xanh, nhưng sau đó trở nên đục ngầu. Chính quyền cơ sở đã nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp xả thải, nhưng tình hình cải thiện không đáng kể. Chỉ đến khi thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai nghiêm khắc chấn chỉnh, kiểm soát các nguồn xả thải thì mới có chuyển biến. Đến nay, bằng mắt thường có thể thấy nước sông Buông đã bớt đục hơn.
Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân Vương Huy Đào.
Ông Lê Quang Hùng, người dân khu phố Miễu, phường Phước Tân nói: “Hàng chục năm qua, nhà tôi ở gần sông Buông, trước đây có thể lấy nước sông về để giặt áo quần, tắm rửa, nhưng mấy năm nay nước sông bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá và doanh nghiệp kinh doanh vật liệu ven sông. Bây giờ cơ quan chức năng quyết liệt chấn chỉnh, chúng tôi rất mừng và hy vọng dòng sông sẽ được phục hồi trong nay mai”.
Tỉnh Đồng Nai đang khẩn trương thực hiện Dự án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị-thương mại-dịch vụ Biên Hòa với mục tiêu trên hết, trước hết là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. Sau nhiều năm chậm trễ bởi gặp vướng mắc về thủ tục, cơ chế do việc chuyển đổi công năng cả một khu công nghiệp rộng hơn 300 ha chưa từng có tiền lệ ở nước ta, thời gian gần đây, với quyết tâm chính trị cao của địa phương, tiến độ thực hiện được đẩy nhanh hơn.
Theo khái toán ban đầu, để chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị-thương mại-dịch vụ cần đến số tiền lên tới 800 nghìn tỷ đồng, nhưng tỉnh vẫn nhất quán, mạnh dạn theo đuổi chủ trương này, vì đây là việc làm vô cùng cần thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường sống cũng như tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan kiến trúc cho đô thị Biên Hòa.
Ô nhiễm do quá trình chăn nuôi vốn diễn ra trong thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy từ nông thôn đến thành thị. Do đó, từ tháng 4/2023, Đồng Nai bắt đầu thực hiện đợt tổng kiểm tra chấp hành bảo vệ môi trường đối với gần 10 nghìn cơ sở chăn nuôi trong toàn tỉnh.
Đáng chú ý, có 3.006 cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, nằm trong lộ trình buộc phải di dời dứt điểm trong hai năm 2023 và 2024. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, địa phương có số lượng đàn lợn rất lớn, có thời điểm lên đến 450 nghìn con. Huyện không khuyến khích tăng đàn, vì mật độ so với diện tích tự nhiên là quá cao, tạo nên áp lực không nhỏ với môi trường.
Huyện lập nhóm Zalo với hơn 100 thành viên là lãnh đạo huyện, các phòng, ban và 10 xã, thị trấn tham gia. Khi tiếp nhận phản ánh về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, lực lượng chức năng sẽ kịp thời kiểm tra, xử lý, với 185 lượt cơ sở được kiểm tra chỉ trong hơn ba tháng qua. Đối với các cơ sở chăn nuôi không có giấy phép môi trường, không phù hợp quy hoạch, vi phạm nhiều lần, huyện sẽ kiên quyết cho ngừng hoạt động.
Huyện đề nghị các công ty cung cấp giống lợn cho hộ chăn nuôi để cùng gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trang trại nào chưa đủ điều kiện về xử lý chất thải thì công ty không cung cấp con giống. Lãnh đạo huyện còn trực tiếp đối thoại với người chăn nuôi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, với 2,6 triệu con lợn và 26 triệu con gà. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.400 cơ sở chăn nuôi tập trung và gần 22,3 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ có 257 cơ sở chăn nuôi lớn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; 313 cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện được cấp thủ tục về môi trường.
Tình trạng chăn nuôi tự phát, không giấy phép, không đáp ứng tiêu chí môi trường đã gây ô nhiễm nguồn nước nhiều sông, suối. Do vậy, qua đợt tổng kiểm tra lần này, ngoài chấn chỉnh vi phạm, mục đích chính là hướng dẫn người dân chấp hành quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi để phát triển lâu dài.
Vì sự phát triển bền vững
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai Lê Văn Bình, sau các sự cố liên quan đến nước xả thải từng xảy ra, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải ở các khu công nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện nay, tất cả 31 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đều có hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 205.800 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 2.303 tỷ đồng, bảo đảm tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp.
Nước thải sau khi xử lý đều được giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, đủ tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường. Theo kết quả quan trắc gần đây, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh được cải thiện qua từng năm.
Nguồn nước thải đổ vào các sông Thị Vải, Đồng Nai, La Ngà đều được kiểm soát tốt. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với đơn vị đối tác để chuẩn bị cho lộ trình ký biên bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác giảm thiểu khí thải carbon trên địa bàn tỉnh và phát triển mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo tiêu chuẩn Net Zero.
Đầu tháng 7 vừa qua, Dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành chính thức được khởi công xây dựng, trở thành khu công nghiệp thứ 32 tại tỉnh Đồng Nai. Dự án với tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ban đầu 282 triệu USD, hướng đến thu hút các nhóm ngành sản xuất công nghệ thế hệ mới.
Đây là khu công nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai chuyên ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, hướng đến nền công nghiệp xanh, đúng định hướng của tỉnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, trong thu hút đầu tư, tỉnh kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động.
Trong chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa ban hành cuối tháng 7/2023, tỉnh Đồng Nai xác định, ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi môi trường; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Một trong những biện pháp mạnh được Tỉnh ủy Đồng Nai thống nhất chỉ đạo trong nửa còn lại của nhiệm kỳ này là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tái chế chất thải, các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, gia cầm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa cho ý kiến về nội dung “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” để nhanh chóng ban hành, triển khai với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là không để tồn tại công nghệ xử lý rác lạc hậu, phương tiện vận chuyển thô sơ mà sẽ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, tăng tỷ lệ tái chế rác, hạn chế chôn lấp để giảm thiểu ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.
Tỉnh không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không để hệ lụy cho tương lai con cháu sau này. Trong nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, Đồng Nai sẽ chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Kèm theo đó là yêu cầu xây dựng tầm nhìn dài hạn cho công tác quản lý nhà nước về môi trường, bởi nếu không, sẽ khó tránh khỏi để lại gánh nặng ô nhiễm nghiêm trọng mà những thế hệ sau không thể xử lý nổi, đơn cử như nguồn nước ngầm ô nhiễm thì con cháu lãnh hậu quả rất lớn nên không thể chấp nhận hành vi xâm hại môi trường để trục lợi.
Người đứng đầu tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu chính quyền các cấp trên địa bàn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội, nếu phát hiện có nguy cơ xâm phạm môi trường, phải lập tức ngăn chặn ngay. Những dự án mới phải được đánh giá tác động môi trường một cách thực chất, đầu tư xử lý môi trường bài bản, tránh vỏ bọc hình thức. Đối với những dự án đe dọa môi trường, không chắc chắn kiểm soát được, thì kiên quyết từ chối mời gọi đầu tư.