Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Hòa Bình

Sáng 20/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do đồng chí Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thành viên Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Hòa Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (đội mũ cối) cùng đoàn công tác kiểm tra phòng chống thiên tai tại khu vực đập Thủy điện Hòa Bình.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (đội mũ cối) cùng đoàn công tác kiểm tra phòng chống thiên tai tại khu vực đập Thủy điện Hòa Bình.
Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Hòa Bình ảnh 1

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình báo Đoàn cáo công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, 2 đợt rét đậm rét hại, 8 đợt nắng nóng diện rộng và nhiều ngày nắng nóng cục bộ nắng nóng gay gắt; 4 đợt mưa lớn diện rộng…

Thiệt hại do thiên tai gây ra ước khoảng hơn 4,4 tỷ đồng. Trong đó 18 hộ bị thiệt hại về nhà ở; nhiều công trình thủy lợi, công trình công cộng bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 5.215 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư. Trong đó, có 143 điểm với 3.298 hộ bị ảnh hưởng cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với 1.750 hộ bị ảnh hưởng.

Để chủ động phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động xây dựng lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tuy nhiên, tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai do chưa có đánh giá tổng thể cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu về các vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống. Công tác cảnh báo, dự báo còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế thiên tai dẫn đến đôi khi bị động trong công tác ứng phó. Địa bàn các xóm, thôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, đường đi lại khó khăn, thông tin liên lạc chưa đảm bảo nên việc truyền tải thông tin đến người dân còn chậm. Nguồn kinh phí sử dụng cho công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn hạn hẹp…

Tại cuộc kiểm tra, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí nâng cấp, phục hồi các công trình công cộng bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các dự án ổn định dân cư vùng thiên tai; Tiếp tục xuất cấp vật tư dự trữ phù hợp phục vụ phòng, chống thiên tai tại tỉnh để ứng phó với thiên tai năm 2023; Hỗ trợ kinh phí để lắp đặt các trạm quan sát sạt lở, trượt lở, hệ thống cảnh báo trượt, lở cho các khu vực trọng điểm sạt lở, lũ quét, lũ ống trên địa bàn tỉnh, quan trắc theo dõi thủy văn trên các sông, suối thường xuyên xảy ra thiên tai tại một số hồ đập trọng điểm của tỉnh; Hỗ trợ tập huấn, diễn tập về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống thiên tai.

Kết luận tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình trong công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục và cần chủ động các phương án ứng phó trên tinh thần thích ứng, linh hoạt, xử lý nhanh. Trong thời gian tới, tỉnh cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa. Chủ động cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Đặc biệt, Công ty Thủy điện Hòa Bình cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh đề rà soát, xây dựng phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập thủy điện cũng như an toàn cho người dân vùng hạ lưu sông Đà. Tiếp tục lồng ghép các chương trình dự án để bố trí ổn định dân cư có nguy cơ sạt lở, ngập úng, bị ảnh hưởng do thiên tai.