Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua khôi phục, trùng tu, tôn tạo, nhiều di tích lịch sử-văn hóa để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài.
Cùng với các di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước tổ chức bảo tồn, trùng tu, ở nhiều địa phương, công tác xã hội hóa cũng được triển khai hiệu quả, người dân tích cực tham gia phong trào tự gìn giữ, khôi phục các di tích ở làng, xã bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Tỉnh Hà Nam đã đưa nhiều di sản văn hóa vào quy hoạch, bảo tồn và phát triển du lịch như: Đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lăng…
Việc phục dựng, tôn tạo, tu bổ di tích, di sản văn hóa luôn được tiến hành thận trọng, bảo đảm yếu tố gốc, tuân thủ các nguyên tắc kiến trúc truyền thống, với những quy định nghiêm ngặt trong Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan.
Trong quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam, tỉnh cũng xác định phát triển du lịch bền vững gắn với công tác bảo tồn. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, Hà Nam đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn di tích.
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận hai hiện vật là bảo vật quốc gia: Bia đá chùa Giàu và trống đồng Tiên Nội I.
Bia đá chùa Giàu nằm trong khuôn viên chùa Giàu, thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý; được dựng vào năm Bính Ngọ, niên hiệu Đại Trị thứ 9 (năm 1366) đời Vua Trần Dụ Tông, là tấm bia cổ thời Trần duy nhất được phát hiện trên đất Hà Nam. Bia chùa Giàu khắc nổi chân dung một vị Hoàng đế thời Trần, là một tác phẩm mỹ thuật độc đáo, cung cấp nhiều nguồn tư liệu quý hiếm trên nhiều phương diện.
Cùng với bia chùa Giàu, trống đồng Tiên Nội I cũng là hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Mặt trống có hoa văn trang trí là sự kết hợp của các hoa văn kỷ hà và hoa văn tả thực. Vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá.
Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt trống Tiên Nội I thuộc văn hóa Đông Sơn, với niên đại dự đoán trong khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ III trước Công nguyên. Băng số 5 ở tang trống được trang trí chim bồ nông cũng gần như chưa bao giờ được bắt gặp trên tang trống đồng nhóm A của văn hóa Đông Sơn.
Tiêu bản trống này rất có giá trị để nghiên cứu về kỹ thuật đúc đồng, sự thành thạo trong pha trộn hợp kim của cư dân Lạc Việt. Quan trọng hơn, trang trí trên trống còn biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng của cư dân Việt cổ hơn 2.000 năm trước.
Trong quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam, tỉnh cũng xác định phát triển du lịch bền vững gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa. Theo đó, Hà Nam đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, ban hành kịp thời nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo các di tích một cách hiệu quả; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản.