Vĩnh biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời hồi 5 giờ sáng 6/7/2023 tại nhà riêng (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), hưởng thọ 75 tuổi. Lâm Thị Mỹ Dạ từng là cán bộ Ty Văn hóa Quảng Bình, sau đó làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.
0:00 / 0:00
0:00

Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Cũng như Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn… Lâm Thị Mỹ Dạ để lại một phong cách thơ đặc sắc, độc đáo thể hiện qua những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, được sáng tác trong một thời kỳ với những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc.

Sinh năm 1949 tại vùng đất lửa Lệ Thủy (Quảng Bình), Lâm Thị Mỹ Dạ "vào đời" cũng là bước vào sự nghiệp văn chương khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng trên toàn đất nước.

Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Cũng như Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn… Lâm Thị Mỹ Dạ để lại một phong cách thơ đặc sắc, độc đáo thể hiện qua những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, được sáng tác trong một thời kỳ với những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc.

Như một phép thử của tồn tại, chiến tranh càng ác liệt, bom đạn càng tàn khốc…, con người tinh thần càng phải rắn rỏi, tâm hồn càng phải tráng kiện, tươi xanh.

Từ trong bom đạn, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng họa mi lảnh lót hôm qua bom nổ trước thềm/ sáng ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim; là hạt sương trong trẻo trái tim như hạt sương/ trong chiếc lá của hạnh phúc; là vạt cỏ xanh non buổi sớm hồn xanh như cỏ/ hồn đầy nụ xanh; là ánh trăng lãng mạn đêm chiến tranh ánh trăng tan vào hoa cau/ nồi cơm sôi có tiếng cơn mưa; là khoảng trời đã nằm yên trong đất…/ những vì sao ngời chói lung linh (Khoảng trời, hố bom)…

Một hiện thực chiến tranh dữ dội với "những điều trông thấy" đã được "mềm hóa", "xanh hóa", "mờ hóa" bởi những câu thơ đầy biểu cảm như thể để vượt qua, vượt lên theo quy luật "tiếng hát át tiếng bom" trong ý thức của mỗi con người, của cả dân tộc. Lâm Thị Mỹ Dạ đã "mỹ lệ hóa" hiện thực theo ý nghĩa mỹ học tích cực nhất của từ này. Thơ chị là tiếng hát của người trong cuộc trên một dải đất đang trải qua những ngày tàn khốc nhất của chiến tranh, vì vậy có sức lay động trái tim người đọc, củng cố niềm tin của họ về một chiến thắng tất yếu mà toàn dân tộc hướng đến.

Nhưng không phải chất tươi xanh hồn nhiên vượt trội trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ phản chiếu tất cả những ánh sáng trong tâm hồn chị. Thế giới nội tâm của Lâm Thị Mỹ Dạ không hề giản đơn.

Chị có một quá khứ "tuổi nhỏ" không mấy suôn sẻ Có nỗi buồn như tro/ Hoang lạnh cả một đời thiếu nữ…/ Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Trong xứ sở anh/ Em bị lạc/ Xứ sở hiếm hoi niềm vui/ Khô thắt đến nao lòng (Tặng nỗi buồn riêng); có một "tuổi lớn" không mấy nhẹ nhõm Bao vết thương trái tim sẹo chai lỳ/ Tưởng là vậy, tưởng là mình gan góc/ Nào đâu ngờ nước mắt cạn đêm nay (Viết về câu trả lời của con), Trên đôi vai bình yên/ mà bão giông nghiêng ngửa/ em quặn mình như rễ giữa đất im (Cho anh tựa vào em).

Luôn trung thực với ngòi bút của mình, Lâm Thị Mỹ Dạ ghi lại những khoảnh khắc tâm trạng riêng tư của chị như để minh chứng cho cuộc đời trên trần thế không mấy hạnh phúc mà chị trải qua.

Kể từ khi còn là thiếu nữ, chị đã có nhiều thơ in báo. Chị đã để lại hơn một chục tập thơ: Trái tim sinh nở (1974); Bài thơ không năm tháng (1983); Hái tuổi em đầy tay (1990); Đề tặng một giấc mơ (1999); Cốm non (2005); Hồn đầy hoa cúc dại (2007); Thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ (2008)…

Chị cũng từng đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1973, giải thưởng Hội Nhà văn năm 1983, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Hơn chục năm cuối đời là một giai đoạn cơ cực của Lâm Thị Mỹ Dạ, khi phải gồng mình chăm sóc cho người bạn đời - nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường - ốm liệt giường. Nhưng cứ vài hôm một lần chị lại gọi điện, những câu chuyện không đầu không cuối. Giọng Lệ Thủy ríu rít trong trẻo, không hề chen tiếng thở dài, cho dù chị đang rất mệt mỏi.

Rồi đến lượt chị, căn bệnh Alzheimer quái ác ập đến lấy đi trí khôn của chị, cướp đi tâm hồn đầy hoa cúc dại của chị. Cho đến một ngày không còn nghe tiếng chị gọi, và cũng không bao giờ nghe chị trả lời nữa…

Vậy là đã khép lại một vòng đời đủ vui buồn, một sinh mệnh đủ gian nan, một tâm hồn thi ca nhiều cung bậc. Với thi ca, Lâm Thị Mỹ Dạ đã lao động hết mình.

Kể từ khi còn là thiếu nữ, chị đã có nhiều thơ in báo. Chị đã để lại hơn một chục tập thơ: Trái tim sinh nở (1974); Bài thơ không năm tháng (1983); Hái tuổi em đầy tay (1990); Đề tặng một giấc mơ (1999); Cốm non (2005); Hồn đầy hoa cúc dại (2007); Thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ (2008)…

Chị cũng từng đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1973, giải thưởng Hội Nhà văn năm 1983, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Nhưng trên hết, thơ chị đã đến với người đọc, ở lại trong tâm trí họ, trở thành nỗi buồn vui của họ, đặc biệt là những người cùng thời với chị. Đó là hạnh phúc của một người cầm bút.

Xin vĩnh biệt chị, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ!

Ngày 6 tháng 7 năm 2023.