Cốm non, cũng như sự nghiệp viết lách của Lâm Thị Mỹ Dạ, bắt đầu với cái mà người Mỹ gọi là Chiến tranh Việt Nam. Sinh năm 1949 tại miền Trung Việt Nam, Lâm Thị Mỹ Dạ trải qua thời chiến tranh kề bên những cuộc giao tranh dữ dội nhất. Mặc dù có hai bài thơ viết về mất mát của chiến tranh qua con mắt người khác - một người lính Mỹ và một cô bảo mẫu - hầu hết thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giai đoạn này dựa trên những trải nghiệm cá nhân của tác giả, biểu đạt qua tình cảm gắn bó của chị với phong cảnh, cỏ cây của đất nước chị. Sự liên tưởng giữa chùm bom với chùm ổi trong bài Hương vườn mở đầu tập sách tạo nên một sức nén tĩnh lặng kỳ lạ chỉ qua bốn câu thơ, còn ở bài Gặt đêm sau đó, Màu vàng bom bi lẫn trong mầu vàng của lúa chỉ trong một dòng thơ.
Nhưng thơ chị còn có nhiều sức nén khác. Một sợi chỉ tự sự mỏng manh theo đuổi nhà thơ qua những lĩnh vực truyền thống của cuộc đời người phụ nữ, như tình yêu, tình mẹ, và đôi khi cả những biến đổi khó khăn trước tuổi trung niên... Không khác nhiều nhà thơ nữ Hoa Kỳ đương đại, Lâm Thị Mỹ Dạ khảo sát những giới hạn của vai trò người phụ nữ truyền thống, thường để thấy mình cô đơn. Không khác các nhà thơ Mỹ, nhưng có lẽ trên một nền tảng văn hóa lâu đời hơn, chị cũng biểu dương sức mạnh của những người phụ nữ khác, trong đó có cả mẹ đẻ của chị, như trong bài Bạn gái.
Dòng chảy thời gian vừa là một cảm thức quan trọng vừa là một thủ pháp chính trong nhiều bài thơ, như bài Bên tượng Mỵ Châu, trong đó chị đem những trải nghiệm của bản thân mình vào lịch sử xa xưa để kể lại một cách đầy thương cảm chuyện cô gái trẻ đã vô tình phản bội dân tộc.
Đôi lúc, nhà thơ ngoái lại quá khứ gần gũi hơn để mà nuối tiếc. Khi Năm tháng dày thêm xa dần tuổi nhỏ, trong một bài thơ tương đối sớm, chị cố tìm kiếm Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm. Nhưng sẽ không thể có sự nuối tiếc ấy nếu như quá khứ không gần gũi và hiện diện sâu sắc như vậy. Đời đến lúc cỗi già/Ta mãi thơ ngây - Chị viết trong một bài thơ gần đây - Ta thành trái mà hồn còn như lá/Cứ xanh hoài chồi biếc thuở non tơ...
Mặc dù ít tính nhục cảm hơn phong cách của nữ sĩ thế kỷ 17 Hồ Xuân Hương, sự liên tưởng giữa hình ảnh choáng ngợp của Vịnh Hạ Long với một Người tình hư ảo cũng tạo một hiệu quả tương tự: người đọc bối rối không rõ chủ đề thực của bài thơ là phong cảnh hay một người tình trong mộng?
Cùng trải nghiệm thế giới với Lâm Thị Mỹ Dạ qua những hình ảnh được chị cảm nhận một cách sâu sắc, chúng ta có thể nối tiếp nhà thơ để "mô phỏng" thiên nhiên theo cách từng được William Carlos Williams mô tả - sự mô phỏng sẽ giúp ta "trở thành thành tố của chính quá trình" đó...
Tôi gặp Lâm Thị Mỹ Dạ ở Huế, vào năm 1994. Trước đó tôi đã đọc và thích mấy bài thơ được dịch ra tiếng Anh của chị. Tôi nói với chị rằng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể dịch những bài thơ khác của chị. Nói vậy, nhưng khi đó cũng chẳng biết sẽ thực hiện như thế nào: Dạ có biết đôi chút tiếng Anh và tôi từng học tiếng Việt, nhưng ngay cả trong những câu chuyện thông thường nhất chúng tôi vẫn cần có người giúp. Rất may, Tô Diệu Linh (nay là Linh Tô Green), người giúp phiên dịch cho chúng tôi, đã quen biết nhà thơ từ nhiều năm trước. Ít năm sau đó, khi Linh đến Boston để theo học chương trình cao học, cô đã cùng tôi dịch những bài thơ đầu tiên.
Mùa hè năm 2000, Lâm Thị Mỹ Dạ đến Boston để tham dự trại viết của Trung tâm William Joiner. Lần ấy, Đinh Thúy, một nhà văn Mỹ gốc Việt đang hành nghề luật sư Washington D.C. cũng đến dự trại để hoàn thành một tác phẩm ký. Thúy đã quấn quýt với Dạ trong phần lớn thời gian hai tuần ở trại, thường kiêm luôn vai trò phiên dịch khi cả ba chúng tôi gặp nhau, chọn thơ và dịch một số bài. Từ đó, Thúy và tôi cộng tác với nhau.
Mới đầu, Thúy bao giờ cũng là người làm bản "dịch thô" gửi tôi kèm theo những chú giải kỹ lưỡng. Một mặt, chị giải thích cho tôi những khía cạnh văn hóa mà tôi có thể không biết. Mặt khác, với vốn kiến thức văn học của mình, chị có thể giúp tôi tìm kiếm những giọng điệu tương đương, điều rất bổ ích cho tôi khi hoàn thiện bản dịch.
Đồng thời, tôi cố gắng sử dụng vốn tiếng Việt hạn chế của mình để dò từng chữ và thực hiện những bản dịch word-by-word. Việc này buộc tôi phải dừng lại để ngẫm nghĩ, để lắng nghe từng dòng thơ, để cảm nhận âm vang của từng chữ trong câu thơ. Dần dần, đến lượt tôi trở thành người thường dịch thô trước để gửi Thúy. Nhưng dù ai là người dịch thô, chúng tôi đều trao đổi thường xuyên, bàn bạc cho đến khi cả hai cảm thấy hài lòng.
Tập Cốm Non bao gồm năm mươi sáu bài thơ được lựa chọn lại từ một tuyển tập do chính tác giả lựa chọn. Nửa đầu tập là những bài rút từ ba tập thơ đầu, xuất bản trong khoảng thời gian từ 1974 đến 1990. Sáu bài, từ bài Cái tổ chim, rút từ tập Mẹ và con, xuất bản năm 1994, trong đó một số bài lấy chất liệu từ ngôn ngữ của con gái tác giả. Các bài còn lại, trừ hai bài Màu phố phái và Tháng Giêng viết gần đây, đều rút từ tập Đề tặng một giấc mơ, in năm 1998.
Sự cộng tác dịch cuốn sách này mang nhiều ý nghĩa thú vị: tập thơ do một phụ nữ Việt Nam bắt đầu sáng tác trong cuộc chiến tranh Việt Nam, và nó được dịch sang tiếng Anh bởi một nhà văn nữ Hoa Kỳ gốc Việt, người rời khỏi Việt Nam khi chiến tranh kết thúc, và một nhà thơ Hoa Kỳ từng phản đối cuộc chiến tranh ấy khi còn biết rất ít về nơi cuộc chiến nổ ra. Nói như lời Lâm Thị Mỹ Dạ trong bài Bạn gái, quá trình dịch thuật này chính là cách chia cùng ngọt, đau.
Biết rằng không bản dịch nào có thể sánh được với nguyên tác, nhưng tôi hy vọng rằng bản tiếng Anh sẽ giúp cho bạn đọc Hoa Kỳ tiếp cận được những đóng góp của một người phụ nữ vào một nền văn học mà (thật đáng buồn) vẫn còn rất ít được giới thiệu ở Hoa Kỳ.
...............
Cốm non - Martha Collins và Đinh Thúy dịch
Curbstone Press và WJC for Study of War and Social Consequences xuất bản, 2005