Nhà thơ Hữu Việt (HV): Từ những năm 80 trở về trước, chúng ta dễ dàng gọi ra một dòng văn học chủ lưu, đó là văn học về chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên hiện nay, quan niệm về dòng văn học chủ lưu đã thay đổi. Có ý kiến cho rằng đó là dòng văn học đổi mới, được thai nghén và khởi đầu từ năm 1986. Nhưng hơn 30 năm đã qua, bình tĩnh nhìn lại thì liệu đây có phải dòng văn học chủ lưu hay không?
Nhà phê bình văn học Đinh Xuân Dũng (ĐXD): Thời gian vừa qua, do công việc nên tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn học và nghĩ cũng nhiều. Chỉ từ tháng 10-2016 đến nay, tôi đọc khoảng 360 tác phẩm thuộc tất cả các thể loại, điều này không phải để khoe mà để nói lên băn khoăn, rằng, so với dòng văn học chủ lưu thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thì cho đến hiện tại, văn học Việt Nam vẫn chưa định hình vì quá trình tìm kiếm của nó vẫn chưa kết thúc. Đây là giai đoạn quá độ hết sức vất vả, khó khăn, tự tìm kiếm mình, thể hiện qua bốn xu hướng. Thứ nhất, nỗ lực tiếp nối những thành tựu và những giá trị bền vững của văn học thời kỳ chống Mỹ. Thứ hai, nỗ lực vượt qua hạn chế về lịch sử của giai đoạn đó, đổi mới sáng tác; những ai vượt qua được chính mình thì sẽ có chỗ đứng trong văn học. Thứ ba, cố gắng hiện đại hóa văn chương, nhưng con đường này còn đang đi nửa chừng nên chất lượng và hiệu quả nghệ thuật không cao. Và xu hướng thứ tư, những sáng tác tưởng rằng đổi mới, nhưng thực chất bế tắc, lúng túng không tìm ra đường đi trúng của văn học, rơi vào sự tầm thường, tẻ nhạt.
Cả bốn quá trình này đều đang diễn ra nên chưa thể khẳng định xu hướng nào sẽ phát triển trở thành dòng chủ lưu.
Ảnh: TL
Nhà thơ Hữu Thỉnh (HT): Còn theo tôi quan sát, dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là yêu nước, nhân văn và dân chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Một tâm trạng chung là ai cũng khao khát, cũng trằn trọc để tự vượt, tự đổi mới. Có nhiều khó khăn, nhất là về đời sống, nhưng sách vẫn ra nhiều, và có những sách hay. Nhất là về đề tài lịch sử, về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Có nhiều tác phẩm trực diện đi vào những vấn đề trung tâm hiện nay là đạo đức xã hội, chống tha hóa, chống suy thoái, chống tham nhũng, khắc phục bệnh cửa quyền, xa dân, mất dân chủ. Đồng thời cũng cho ta thấy biết bao nhân cách đẹp đẽ, vững vàng, đáng trân trọng. Ở đây có vấn đề đánh giá và khả năng đánh giá. Cả một rừng sách, khó có nhà phê bình nào có thể bao quát được tất cả. Cũng có những tác phẩm công phu, những phát hiện mới mẻ nhưng ít được biết đến, hoặc đánh giá chưa đúng mức.
HV: Trước đây, tuy chúng ta chỉ có một dòng văn học chủ lưu, nhưng nó phản ánh được gần như đầy đủ diện mạo cuộc sống trong một giai đoạn lịch sử vinh quang và bi tráng của đất nước; đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Còn bây giờ, tưởng rằng cuộc sống ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, mở ra dư địa rộng rãi cho các thể tài văn học thì dường như có một số thể tài gần như “biến mất” hoặc ít được quan tâm như văn học thiếu nhi, văn học về đề tài công nhân... Có vẻ như “văn học đề tài” không còn hấp dẫn độc giả nên nhà văn không viết nữa.
ĐXD: Nhận định này của anh, tôi thấy có lý. Nhưng bên cạnh những điều đáng lo, cũng có những mặt tích cực. Một thời kỳ tương đối dài chúng ta hướng văn học theo đề tài. Tôi cho rằng, đề tài chỉ là phạm vi hiện thực ở ngoài tác phẩm, không phải nội dung tác phẩm, cho nên văn học đề tài thường dẫn tới thiếu chiều sâu. Ngày nay văn học đi vào thân phận, số phận, vấn đề của con người, cuộc sống. Ở đâu có vấn đề của cuộc sống, gay gắt, quyết liệt, đều cần văn học lý giải. Nếu nhìn từ góc độ này, vượt qua cái gọi là chủ nghĩa đề tài trước đây, thì đó là một bước phát triển của văn học. Tuy nhiên phải nói thêm, có những đề tài tưởng như thầm lặng nhưng chứa đựng bên trong rất nhiều những vấn đề có thể khai thác thân phận con người, tinh thần nhân văn, nhân đạo thì lại bị nhà văn bỏ qua. Mắc-xim Goóc-ki từng nói: Phải hiểu cuộc sống như tim đen tim trắng của nó, như người trong cuộc làm ra cuộc sống ấy. Nếu nhà văn không chạm được đến điều đó, thì đây là một nhược điểm lớn.
HT: Tôi lại không nghĩ văn học công nhân và văn học thiếu nhi đã bị “biến mất”. Tôi có thể dẫn ra đây nhiều tác phẩm được dư luận chú ý. Có điều rằng, như đã nói ở trên, công tác phê bình của ta còn bỏ quên nhiều quá. Ở đây có vấn đề lực lượng, vấn đề tổ chức. Chúng tôi nhận rõ trách nhiệm về vấn đề này.
Hội Nhà văn đã bắt đầu có sự điều chỉnh: Tái lập Ban Văn học thiếu nhi, Ban Văn học công nhân. Chúng tôi đang khẩn trương tổ chức cuộc hội thảo về văn học công nhân phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động, và thúc đẩy việc xét Giải thưởng văn học công nhân trong thời gian tới. Nói về văn học thiếu nhi, chúng tôi đang cố gắng cải tiến cơ chế phối hợp, bắt đầu từ một số việc cụ thể, thiết thực như xét giải thưởng và kết nạp hội viên chuyên về mảng đề tài này.
HV: Có ý kiến cho rằng bạn đọc hôm nay đã thay đổi mang tính thế hệ về "gu" thẩm mỹ cũng như nhu cầu thưởng thức, giải trí, nhưng tác phẩm văn học của chúng ta lại vẫn... đứng yên. Nếu tác phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của người đọc thì phải chăng nhà văn trước tiên phải tự trách mình?
Ảnh: Việt khôi
ĐXD: Trong quá trình làm điều tra xã hội học về đọc sách nói chung và đọc sách văn học nói riêng, tôi thấy xuất hiện mấy xu hướng. Từ sự tương đối đồng nhất và thống nhất trong nhận thức về tư tưởng, thẩm mỹ đã xuất hiện sự phân hóa, phân cực, phân nhóm và cá thể hoá khi tiếp cận tác phẩm văn học. Trong đó, đáng chú ý là sự phân cực ngày càng quyết liệt, thậm chí đối lập, phủ định lẫn nhau. Sự phân cực này không chỉ về thẩm mỹ mà cả về tư tưởng. Bốn xu hướng đó, nếu như người viết văn không tiếp cận, không trải nghiệm, không nhập cuộc được vào thì khả năng phải “đứng ngoài” hoặc trở thành lệ thuộc vào nhu cầu nhất thời của bạn đọc.
HV: Nhân nói về các xu hướng của người đọc, xin trao đổi về thơ. Trong cuộc sống bề bộn hôm nay, tôi có cảm giác thơ đang lúng túng nhất. Thơ những năm gần đây bị dư luận cho là “mất mùa”, cụ thể: thơ in ngày một nhiều nhưng người đọc ngày một ít, các giải thưởng văn học thiếu vắng tác phẩm thơ. Là Chủ tịch Hội Nhà văn, đồng thời là nhà thơ nổi tiếng, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá thế nào về hiện trạng này?
HT: Tôi thấy trong câu hỏi của nhà thơ Hữu Việt đã ngầm có câu trả lời. Thật ra thì nói “mất mùa” cũng là cách nói thôi. Một giải thưởng chỉ có thể đại diện cho chính nó, còn nói đến cả một nền thơ thì phải có cách nhìn rộng, bao quát thấu đáo hơn nhiều. Tôi thật sự không vui khi không có giải thưởng thơ của Hội trong hai năm vừa qua. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Và quả thực tôi vẫn tìm thấy không ít những tìm tòi mới, rất đáng quý. Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét cải tiến cách tổ chức xét giải. Ngoài sự phát hiện của các cơ quan, tổ chức, của các thành viên trong Hội đồng thơ, rất cần có sự phát hiện của bạn đọc. Chúng tôi sẽ làm điều đó.
ĐXD: Tôi đọc thơ trên nhiều tờ báo, nhưng để tìm thấy bài thơ có phát hiện về mặt nội dung hoặc hình thức thể hiện thì ít quá. Cho nên giải thưởng về thơ như anh nói là đánh giá trúng vấn đề. Tư duy thơ của một bộ phận, trong đó có cả người làm thơ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, hoặc nghiệp dư, là muốn đổi mới nhưng chủ yếu về hình thức, cách thể hiện chứ còn đổi mới về trí tuệ, phát hiện cuộc sống, cảm xúc của trái tim thì không nhiều. Cho nên như lúc đầu tôi nói, văn học hiện nay đang nằm trong giai đoạn quá độ, chưa định hình, rất vất vả, khó khăn để tìm đường, điều đó thể hiện rõ nhất ở trong thơ, và sau đó đến sân khấu.
HV: Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong các Nghị quyết Trung ương đều dành nội dung nói về văn hóa và văn học nghệ thuật, đưa ra những định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ sáng tạo, văn học nghệ thuật phát triển. Xin các ông cho biết, nội dung các Nghị quyết đã sát với thực tiễn văn học nghệ thuật chưa? Nó có góp phần mở rộng biên độ sáng tác, hay vẫn còn những chỗ nào đó là lực cản sáng tạo của nhà văn?
HT: Những Nghị quyết của Trung ương gần đây về văn hóa, văn học - nghệ thuật thể hiện sự đổi mới rất căn bản về tư duy văn hóa và lãnh đạo văn hóa của Đảng, đáp ứng những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước và sự mong đợi của văn nghệ sĩ. Sự đồng thuận mới tạo ra những chuyển động đáng mừng. Tư duy sáng tạo mở thoáng. Đời sống văn học sống động, tiếp cận mau lẹ với hiện thực mới. Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích lao động sáng tạo, có nhiều quyết sách giải quyết có hiệu quả về hoạt động nghề nghiệp. Đó là một nguồn lực rất quan trọng.
Tuy vậy, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề thị trường, là đầu ra. Số đầu sách thì tăng nhưng lượng phát hành thì giảm sút đến mức rất đáng lo ngại. Càng ngày chúng ta càng thấy tác động của thị trường là không nhỏ, có những mặt tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt trái tinh vi, gai góc, phức tạp, thử thách bản lĩnh của văn nghệ sĩ. Chống thương mại hóa thì đúng quá rồi, nhưng làm thế nào và bắt đầu từ đâu? Thích ứng với thị trường, kiểm soát được thị trường, làm chủ nó, quả là vấn đề không phải dễ. Và chắc khó khăn còn lâu dài.
ĐXD: Hiện nay tác động của kinh tế thị trường đối với sáng tạo, theo tôi mặt tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực. Người sáng tạo bị thị trường lôi kéo cả về số lượng tác phẩm và sức ép kinh tế. Nhưng nếu anh có bản lĩnh, trình độ và tài năng thì tác động của kinh tế thị trường có khi lại là tích cực. Đã qua rồi thời kỳ tác phẩm văn học chỉ có tập trung định hướng người đọc, bây giờ nó phải kết hợp nhiệm vụ kép: vừa đáp ứng nhu cầu của độc giả, của thị trường, vừa dẫn dắt định hướng.
Tôi nhất trí cao với nhà thơ Hữu Thỉnh là các Nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới và trong khoảng năm, bảy năm nay đề cập đến văn hóa và văn học nghệ thuật đã có sự đổi mới rất lớn về mặt tư duy, nắm vững quy luật, đặc thù của sự phát triển văn học nghệ thuật, đánh giá trúng thực chất, từ đó định hướng theo tư duy thoáng mở cho năng lực sáng tạo. Thí dụ như, từ khi đổi mới đến nay ta không nói về chủ nghĩa hiện thực, nhấn mạnh đến tính đảng, mà nói đến Tổ quốc, dân tộc, sự nghiệp cách mạng... Ta không nói phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, mà ta nói phục vụ cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều đó không có nghĩa phủ định tính đảng trong tác phẩm văn học nghệ thuật mà là nhìn một cách thoáng rộng hơn. Trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói đại ý: đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính.
Cách suy nghĩ đó tôi cho là rất mới. Tuy vậy, vẫn có những nội dung của Nghị quyết chưa đi vào cuộc sống, vì sao? Thứ nhất, giữa định hướng và hiện thực cuộc sống vẫn còn độ vênh nhất định, cho nên nhà văn có sự lúng túng, viết như thế nào để không rơi vào công thức, để không rơi vào bôi đen; và viết như thế nào để người đọc cảm thấy không nhạt nhẽo. Có lẽ vì thế mà một số nhà văn trốn vào đề tài lịch sử, vào đề tài đời thường, viết cái giải trí, nhẹ nhàng, vì không giải quyết được vấn đề về tư duy. Thứ hai, cũng xin nói thật là từ Nghị quyết của Đảng đến sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở cấp Trung ương cho tới cấp cơ sở vẫn còn vướng do chưa nắm vững quy luật vận động và phát triển tác động vào đời sống văn học thời kỳ hiện đại. Tôi đã tiếp xúc với một số người có nhiệm vụ chỉ đạo văn học ở Trung ương và địa phương, thấy họ chưa tiếp thu đầy đủ những tư tưởng mới trong nghị quyết, cho nên chỉ đạo theo kiểu cũ, làm cho người viết thấy độ tin cậy của sự chỉ đạo đó không cao.
HV: Hiện nay rất nhiều cây bút trẻ thích viết, công bố và bán tác phẩm trên mạng xã hội..., tóm lại là đầy đủ quy trình như với một cuốn sách in. Liệu đã đến lúc chúng ta cần thừa nhận “văn học mạng” như một thực thể văn học hay chưa? Và Hội Nhà văn có nên xem xét kết nạp những cây bút thật sự có tài của “văn học mạng” vào Hội, bình đẳng như các nhà văn “sách giấy”, bởi vì thu hút được thế hệ trẻ hôm nay, chính là gây dựng tương lai cho văn học ngày mai?
ĐXD: Không chỉ người viết trẻ mà có cả những nhóm tư nhân đang tìm mọi cách để phát triển văn học mạng, và họ đã phần nào làm được. Đúng là ta vẫn tập trung đến văn học viết in giấy, còn việc tập hợp, thu hút những người viết văn học mạng có dấu hiệu tài năng thật sự thì hầu như các tổ chức hội văn học chưa tiếp cận hoặc bỏ qua. Muốn thực hiện điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của người quản lý, sự chỉ đạo từ bên trên với các hội, tạo ra tính đa dạng trong hoạt động của các hội. Tính đa dạng đó có đủ khả năng để điều chỉnh, định hướng sáng tác bằng những phương thức mới, chứ không chỉ theo cách cũ.
HT: Trong văn học, cái gì hay, đích thực thì dù xuất hiện ở đâu, trước sau nó cũng sẽ đọng lại và được đánh giá một cách công bằng. Tôi rất tin như vậy.
HV: Qua buổi trò chuyện này, có thể thấy hiện thực cuộc sống và văn học còn rất bề bộn, đang trong quá trình vận động phức tạp, chưa định hình; còn đó những thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhà văn thỏa sức sáng tạo. Để có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại thì cần phải có tác giả lớn; tác giả lớn là người mang khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa trông rộng, tư duy sâu sắc, có kiến thức uyên thâm, gắn bó máu thịt với những vấn đề lớn lao của đất nước, dân tộc. Ở góc độ nghề nghiệp, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật địa phương cần tiếp tục đổi mới sâu sắc hơn về tư duy tổ chức, phương thức hoạt động, tập hợp những cây bút tiêu biểu, đặc biệt là lực lượng trẻ, vì sự phát triển của nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập, hướng tới các tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm thời đại.
HT: Đúng là như vậy. Chúng tôi đang làm tất cả những điều đó. Nhưng cũng phải nói cho công bằng, dù các tổ chức Hội có cố gắng bao nhiêu thì vai trò cá nhân của văn nghệ sĩ vẫn là quyết định. Không ai có thể làm thay được. Vấn đề là, trong lĩnh vực đặc biệt tinh tế này, Hội phải làm sao cho hội viên cảm thấy có một người bạn lớn, cùng chia sẻ, gần gũi, ấm áp, biết đánh giá đúng mọi cống hiến. Mọi đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, đều phải nhằm hiểu biết tài năng, khuyến khích tài năng, trân trọng tài năng, đánh giá đúng tài năng.
Chăm sóc, phát hiện bồi dưỡng các tài năng trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các tổ chức Hội. Mở Hội nghị chuyên đề, mở lớp bồi dưỡng, cử đi học các lớp tập huấn, tham gia giao lưu quốc tế, mở các cuộc thi tài, ưu tiên xét kết nạp hội viên mới... Vấn đề còn lại là, các tài năng trẻ cần chuẩn bị một nội lực dồi dào để có thể đi xa, đi bền, xứng đáng với nhân dân và thời đại của mình.