Giám sát về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số

Từ ngày 16/5, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai đợt giám sát về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai đợt giám sát về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai đợt giám sát về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.

Trong ngày 16/5, Hội đồng nhân dân thành phố đã tổ chức hai đoàn giám sát làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và huyện Thạch Thất .

Tại huyện Thạch Thất, Đoàn giám sát số 1 do đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố làm Trưởng đoàn đã thảo luận, làm rõ một số nội dung về công tác kiện toàn, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực cải cách hành chính.

Đoàn đặc biệt quan tâm tới hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của huyện, và các xã, thị trấn - nơi trực tiếp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức để giảm dần đầu mối trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ...

Giám sát về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số ảnh 1

Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội làm việc tại huyện Thạch Thất.

Hiện huyện Thạch Thất có 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân huyện và các xã, thị trấn được tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân thực hiện trực tuyến tại huyện còn thấp; kinh phí đầu tư cho công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng nhu cầu...

Cùng ngày, Đoàn giám sát số 2 do đồng chí Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố làm Trưởng đoàn, đã làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Đoàn giám sát đã tập trung làm rõ mức độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong vận hành mô hình chính quyền điện tử, chuyển đổi số của thành phố, nhất là ở cấp xã; nắm bắt thực trạng hạ tầng công nghệ hiện nay của thành phố có thể đáp ứng tiêu chí xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số không...

Giám sát về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số ảnh 2

Kiểm tra bộ phận Một cửa tại Sở Thông tin Truyền thông.

Là đơn vị chủ công của thành phố trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, Sở đã tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng WAN của thành phố đến toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn, kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Hiện đơn vị đang triển khai xây dựng đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội.

Tại buổi giám sát, Sở Thông tin Truyền thông cũng nêu một số hạn chế, khó khăn đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố tháo gỡ, như tình trạng thiếu nhân lực công nghệ thông tin của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã. Việc khối xã chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ số hóa, chuyển đổi số của các địa phương và thành phố.

Dự kiến từ ngày 15 đến 30/5/2023, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố sẽ làm việc với 10 quận, huyện, sở, ngành.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố: Đợt giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố có nội dung, phạm vi lĩnh vực rộng, quan trọng và phức tạp. Trong đó, có nhiều nội dung cần làm rõ như kết quả, tiến độ việc thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu quản lý ngành theo kế hoạch của thành phố trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, giáo dục, y tế, lao động - thương binh và xã hội, dân cư. Vì vậy, trước giám sát, công tác chuẩn bị được triển khai kỹ lưỡng, thống nhất đề cương nhằm giám sát đúng trọng tâm, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính, thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại Thủ đô.