Tìm giải pháp căn cơ để ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá

NDO - Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), dù các đơn vị chức năng đã ráo riết vào cuộc nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá, nhưng với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để đưa mặt hàng này vào tiêu thụ trong thị trường nội địa vì mức siêu lợi nhuận.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận phối hợp xử lý thuốc lá nhập lậu.
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận phối hợp xử lý thuốc lá nhập lậu.

Liên tục phát hiện thuốc lá lậu

Mỗi năm các lực lượng chức năng cả nước bắt giữ hơn 10 nghìn vụ vi phạm, tịch thu hơn 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Nhưng nhìn chung, số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ thời gian qua được nhìn nhận chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.

Việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động, buôn lậu thuốc lá lại tiếp tục tái diễn.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2022 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra gần 2.200 vụ, xử lý 1.600 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, với số lượng bao thuốc và tương đương xử lý hơn 126 nghìn bao; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 7,7 tỷ đồng.

Hiện các đường dây vận chuyển thuốc lá lậu được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp. Chúng thường hoạt động vào ban đêm và liên tục thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa ở các kho biên giới. Thuốc lá lậu được ngụy trang cất giấu rất tinh vi, sau đó dùng xuồng máy tốc độ cao hoặc thuê người đeo vác, vận chuyển băng qua đường biên giới.

Có không ít các đối tượng vận chuyển thuê là người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy nên rất manh động trong quá trình vận chuyển hàng. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, chúng sẵn sàng dùng hung khí để chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ, hòng tẩu thoát.

Tìm giải pháp căn cơ để ngăn chặn, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá ảnh 1

Lực lượng chức năng tỉnh Hậu Giang tiêu hủy thuốc lá nhập lậu

Để qua mặt các lược lượng chức năng, một số đối tượng còn sử dụng hình thức thuê xe tải để vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn. Tinh vi hơn, chúng thường “xé lẻ” thuốc lá nhập thành số lượng nhỏ, mỗi lần từ 80 bao đến 140 bao để chỉ bị xử phạt hành chính, tránh bị xử lý hình sự. Hay Thuốc lá nhập lậu thường được cất giấu ở một điểm khác, chỉ khi có người mua mới lấy giao trực tiếp.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Theo quy định này, chế tài xử phạt hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng.

Điển hình ngày 24-4 vừa qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Long An đã phối hợp bắt giữ ô-tô tải do tài xế tên Lê Văn Vàng điều khiển chở gần 115 thùng, tương đương 60 nghìn gói thuốc lá điếu ngoại nhập. Khi phát hiện khả nghi, lực lượng chức năng đã ra tín hiệu dừng để kiểm tra, nhưng lái xe tải trên đã bất chấp hiệu lệnh, lao thẳng vào tổ công tác, nhưng đã bị khống chế.

Bước đầu, Vàng khai nhận được một người đàn ông không rõ lai lịch, thuê gặp người tên Tâm để nhận và chở thuốc lá từ huyện Tân Hưng (Long An) về tỉnh Đồng Tháp với tiền công 5 triệu đồng. Sau khi được ứng trước 3 triệu đồng và nhận hàng, Vàng chạy xe được khoảng 10km thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Đây là vụ vận chuyển thuốc lá lậu có số lượng lớn nhất được bắt giữ trên địa bàn tỉnh Long An từ trước đến nay.

Mặc dù các lực lượng chức năng, đặc biệt là Biên phòng khu vực biên giới Tây Nam (điểm nóng về buôn lậu thuốc lá) thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn việc vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới, song các hành vi buôn lậu này đến vẫn diễn ra "âm ỉ" do nhiều yếu tố tạo nên.

Trong đó phải kể đến do buôn lậu thuốc lá mang lại siêu lợi nhuận, có thể lên đến 400% nên nhiều người vẫn bị hấp dẫn, nhất là những người dân nghèo vùng biên giới thu nhập không ổn định. Đơn cử, lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000-8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc.

Cục trưởng Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương) Thân Đức Công cho biết, lực lượng chức năng đã ngăn chặn được một số điểm nóng về thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, hạn chế tối đa tình trạng bày bán công khai tại các cửa hàng, khu vực công cộng.

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ và lợi nhuận cao từ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu mang lại nên tình hình nhập lậu thuốc lá về lâu dài vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có quản lý thị trường cần duy trì thường xuyên, xuyên suốt.

Cần giải pháp tổng thể

Do chênh lệch về thuế suất quá lớn, nên thuốc lá lậu mang lại nguồn lợi bất chính lớn cho các đối tượng buôn bán, vận chuyển. Từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong nước tăng lên 75%. Theo quy luật, việc tăng thuế sẽ kéo theo tăng giá, điều này chắc chắn dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng.

Buôn lậu thuốc lá đang trở thành thứ hàng hóa siêu lợi nhuận do "né" được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 1,5% quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu luôn tìm mọi thủ đoạn để đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (VTA), thuốc lá nhập lậu đang chiếm khoảng hơn 20% thị phần trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại nước ta có giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% vào năm 2020, nhưng mức giảm không đáng kể so với mong muốn. Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng, biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá là tăng thuế thuốc lá. Tuy nhiên, công cụ này tại nước ta đang chưa đủ mạnh.

Do đó, mới đây Bộ Tài chính đề xuất phương án tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Nhưng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nếu không có những giải pháp căn cơ, chỉ áp dụng tăng thuế sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, vô hình trung còn kích thích các hành vi buôn lậu thuốc lá do chênh lệch thuế suất.

Việc tăng thuế đối với thuốc lá phải đi đôi với thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, không chỉ thực hiện bắt giữ các hành vi buôn lậu mà cần tăng cường kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu trên thị trường.

Mặt khác, cần triển khai với giải pháp đồng bộ, toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống thuốc lá lậu như: tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu.

Ngoài ra, khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã quy định buôn lậu từ 1.500 bao thuốc lá trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Lợi dụng "khe hở" này, nhiều đối đã xé lẻ hoặc nhiều vụ khi bắt giữ kiểm tra thì chỉ có 1.499 bao, do đó chỉ bị xử lý hành chính ở mức 100 triệu đồng.

Chính vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần rà soát, nghiên cứu, ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong việc xử lý vi phạm nhằm bịt những kẽ hở, không để cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá lợi dụng.

Đồng thời, cần củng cố việc kiểm soát buôn lậu tại cửa khẩu và tại các điểm bán lẻ thuốc lá. Đặc biệt, để kiểm soát có hiệu quả việc buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam, các cơ quan chức năng nên tập trung vào 10 tỉnh biên giới Tây Nam là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, xử lý các ổ nhóm, đối tượng buôn lậu thuốc lá nổi cộm để ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu.