Dự kiến 2030 sẽ có 70.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá
Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung năm 2020 chỉ giảm 0,8% so năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015). Tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm 2% so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%).
Từ kết quả điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam được thực hiện vào năm 2020 cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện K mới đây, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá chiếm khoảng 49.000 tỷ đồng/năm (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là khoảng 1% GDP tại Việt Nam.
Hiện nay có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Cần tăng mạnh thuế thuốc lá
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình sức khỏe Việt Nam, một trong những cách hiệu quả nhất chính là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, giá thuốc lá ở Việt Nam hiện nay rất rẻ, không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Việt Nam cần thay đổi điều này, bằng giải pháp như nhiều quốc gia thực hiện thành công là tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển.
Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.
“Thuế thuốc hiện đang tính là 75% giá xuất xưởng từ 1/1/2019 tương đương 38,8% giá bán lẻ, thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN thí dụ như Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%”, bà Hương nói.
Giá/thuế với mặt hàng này tăng hầu như không đáng kể. Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.
Lần thứ nhất vào năm 2008 với mức tăng thuế suất từ 55% lên 65%, lần 2 vào năm 2016 (sau 8 năm) với mức tăng từ 65% lên 70%. Lần thứ 3 là vào năm 2019 với mức tăng từ 70% lên 75%. Các lần tăng thuế này hầu hết chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó tiêu dùng lại tăng trở lại.
Vì vậy tác động của việc điều chỉnh thuế đến giảm tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá trong những năm vừa qua là không đáng kể.
Trong khi đó, thị trường sản phẩm thuốc lá quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi.
Theo WHO, năm 2021, trong 105 nước hiện còn áp dụng thuế tỷ lệ, có 47 nước đã áp dụng giá bán lẻ là cơ sở tính thuế.
WHO và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.
Thạc sĩ Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế về thuốc lá và buôn lậu thuốc lá của Liên minh phòng, chống lao và bệnh phổi quốc tế (the Union), WHO đã chỉ ra, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Để giảm tỷ lệ hút thuốc nam giới trưởng thành giảm từ 42,3% hiện tại xuống 37% (2025), 32,5% (2030), bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung mức thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao vào năm 2023 và cứ mỗi hai năm lại tăng thêm 5.000 đồng; hoặc áp dụng thuế tỷ lệ trên giá bán lẻ ở mức tương đương; hoặc vừa tăng thuế tỷ lệ, vừa bổ sung thuế tuyệt đối ở mức tương đương.
Bên cạnh thuế tỷ lệ 75%, bổ sung lộ trình thuế tuyệt đối ở mức 2.500 đồng/bao từ 2023 và cứ mỗi hai năm lại tăng thêm 2,500 đồng/bao. Với lựa chọn này, cần bổ sung các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mạnh khác (quản lý hệ thống bán lẻ, áp dụng bao tiêu chuẩn, …)
“Với mức tăng thuế đủ lớn, sẽ giảm được số người hút thuốc, sẽ giảm bệnh tật và tử vong. Thí dụ, nếu áp dụng thêm thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao có thể giảm gần 1 triệu người hút, giảm được 500 nghìn ca tử vong sớm. Số người hút thuốc lá giảm sẽ giảm chi phí y tế tương ứng”, ông Sơn nói.
Do đó chuyên gia này đề xuất sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại. Tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ.